Laocaitv.vn - Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là đến tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thời gian này, nhiều hộ trồng đào, bưởi tại xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng đang thực hiện những khâu chăm sóc cuối cùng và chờ ngày đưa sản phẩm ra thị trường, phục vụ nhu cầu chơi Tết của Nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Anh Thực chăm sóc cây đào cảnh.
Gắn bó với nghề trồng đào đã trên 15 năm, gia đình anh Thực, thôn Na Ó, xã Xuân Quang đã dành hơn 1 ha đất để trồng đào. Với số lượng trên 3.000 cây, phần lớn là đào từ 2 năm tuổi đến hơn 10 năm tuổi, giá bán từ vài trăm nghìn đồng đến hơn chục triệu đồng. Để có được vườn đào như hiện này anh Thực đã phải đầu tư tới hàng tỷ đồng. Vốn đầu tư nhiều và chỉ xuất bán cây, cành đào vào dịp tết Nguyên đán, song anh Thực vẫn lựa chọn giống cây trồng này vì theo anh trồng đào khá đơn giản, ít tốn công lao động mà giá trị kinh tế của cây đào cũng khá cao. Anh Thực chia sẻ: "Trồng và chăm sóc đào tuy không vất vả như cây nông nghiệp nhưng đòi hỏi người trồng phải khéo léo, tỉ mỉ và kỳ công, biết tính toán thời tiết để chia giai đoạn uốn tỉa, chăm sóc, tạo dáng cho cây. Để thành công trong chăm sóc đào cảnh thì thời tiết tác động tới 90%, còn lại 10% là kinh nghiệm của người trồng. Vì vậy, phải biết kết hợp giữa kinh nghiệm và thực tế, người trồng đào cần điều chỉnh, chia từng giai đoạn chăm sóc cho phù hợp”.
Nét đặc sắc của vườn đào gia đình anh Thực đó là cách tạo các dáng đào, bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo, anh đã tạo các dáng cho cây đào như: Dáng trực thể hiện sự hiên ngang, bất khuất; dáng nghiêng với ý nghĩa thể hiện hình tượng người phụ nữ; dáng hoành biểu hiện sự mềm mại, duyên dáng; dáng huyền thể hiện hình ảnh của sự kiên trì, nhẫn nại vượt qua phong ba bão táp hướng tới tương lai…. Thế đào càng phức tạp, càng tốn nhiều thời gian, công chăm sóc và sẽ có giá trị càng cao khi bán ra thị trường. Theo dự tính của anh, vụ đào năm nay trừ chi phí gia đình anh sẽ thu về khoảng 600 triệu đồng tiền lãi.
Mô hình trồng bưởi của gia đình chị Vũ Thị Thiết, thôn Hốc Đá, xã Xuân Quang, với 100 cây bưởi chín vàng, căng tròn, lúc lỉu trên cành đang chờ ngày thu hái. Trò chuyện với chúng tôi, chị Thiết cho biết: “Bưởi là loại cây dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật quá cao chỉ cần chăm sóc chu đáo là đã cho thu hoạch khá. Năm nay thời tiết thuận lợi nên bưởi rất sai quả và sáng mã. Bình quân mỗi cây có từ 50 - 60 quả. Để có được cây bưởi sai trĩu quả và mẫu mã đẹp, gia đình tôi đã rất chú ý tới kỹ thuật canh tác ngay từ giai đoạn đầu để cây luôn khỏe và ra hoa, đậu quả bán đúng vào dịp tết Nguyên đán”.
Chị Thiết trao đổi kinh nghiệm trồng đào Tết.
Hiện đang là thời điểm bước vào giai đoạn chăm sóc nước rút để chuẩn bị cho thu hoạch quả, phục vụ thị trường Tết. Ước vườn bưởi khoảng 500 quả của gia đình chị Thiết trong vụ tết Nguyên đán này sẽ cho thu về từ 25 triệu - 30 triệu đồng. Đây chính là nguồn thu nhập lớn của gia đình chị Thiết trong mỗi dịp Tết.
Ông Nguyễn Viết Khoản, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang cho biết: “Những năm gần đây, người dân trong xã không ngừng áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đặc biệt là cây đào cảnh và cây bưởi, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác".
Các nhà vườn tại Xuân Quang đang hối hả chăm sóc, vận chuyển các loại cây cảnh, cây ăn quả để phục vụ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Cũng nhờ từ trồng đào cảnh, bưởi và các loại cây ăn trái khác mà không ít người nông dân quanh năm chỉ quen “một nắng hai sương” ở Xuân Quang có cuộc sống ngày càng sung túc.
Bài, ảnh: Thanh Nga
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết