Laocaitv.vn - Tại tỉnh Lào Cai, dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, để đảm bảo kế hoạch tái đàn, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trở lại.
Laocaitv.vn - Tại tỉnh Lào Cai, dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, để đảm bảo kế hoạch tái đàn, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trở lại.
Mường Khương là 1 trong 2 địa phương có dịch tả lợn châu Phi tái phát trong tháng 4. Sau một thời gian nỗ lực triển khai các biện pháp ngăn chặn, khoanh vùng, xử lý ổ dịch, đến nay, dịch tả lợn châu Phi ở địa phương này đã được khống chế.
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mường Khương cho biết: "Chúng tôi đã triển khai song song 2 biện pháp, một là quyết liệt từ chính quyền địa phương, từ việc kiện toàn ban chỉ đạo đến tổ chức các chốt kiểm soát động vật ra vào địa bàn huyện. Bên cạnh đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao ý thức của người dân, xác định mỗi thôn bản là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trong công tác phòng chống dịch".
Người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi như rắc vôi bột xung quanh chuồng trại.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 204 hộ ở 18 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện: Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương và thành phố Lào Cai. Trên 1.000 con lợn bị mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, tổng trọng lượng trên 37 tấn. Sau hơn 3 tháng triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, khoanh vùng và xử lý các ổ dịch, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được khống chế và các địa phương đang thực hiện tái đàn theo kế hoạch chỉ đạo của tỉnh.
"Khi tái đàn ở những vùng hoặc những hộ đã có dịch thì phải đảm bảo ít nhất là qua 21 ngày không phát sinh thêm dịch bệnh; phải thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học đối với cơ sở chăn nuôi, từ khâu con giống đến vệ sinh chuồng tại, thức ăn, thức uống", bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN&PTNT cho biết thêm.
Các hộ chăn nuôi khi tái đàn cần phải thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học.
Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương cần theo dõi diễn biến, cập nhật tình hình dịch. Cấp xã thành lập đường dây nóng về dịch tả lợn châu Phi, xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác phòng chống dịch và cẩn trọng trong việc tái đàn.
An Hồng - Phạm Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết