Hiệu quả từ Dự án "Phát triển sản xuất hoa địa lan bằng phương pháp tách chồi"

13:00 17-01-2019 | :653

Laocaitv.vn - Thời điểm này, các nhà vườn ở Sa Pa đã di dời hàng nghìn chậu hoa địa lan xuống vùng thấp để phục vụ nhu cầu của thị trường trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Năm nay, nguồn cung hoa địa lan Sa Pa rất dồi dào, mà nguyên nhân chính là do Dự án "Phát triển sản xuất hoa địa lan bằng phương pháp tách chồi" đã được thực hiện rất thành công. 

Các nhà vườn ở Sa Pa di dời hàng nghìn chậu hoa địa lan xuống vùng thấp để phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới

Những ngày giáp tết này, dọc tuyến quốc lộ 4D đoạn từ thành phố Lào Cai đi xã Cốc San, huyện Bát Xát, có đến hàng chục điểm bán hoa địa lan. Anh Lê Đình Thuận, thôn Sả Xéng là một trong 70 nông dân đã được tập huấn kỹ thuật tách chồi hoa địa lan cùng những kỹ thuật trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho loại hoa này. Thay cho việc nhân giống hoa chỉ nhờ vào kinh nghiệm trước đây, thì nay, những nông dân như anh Thuận đã làm chủ được nhiều kỹ thuật mới trong việc nhân giống địa lan. Và điều này đã giúp cho nghề trồng lan ở Sapa phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Không ít những chậu hoa được bán với giá bốn, năm mươi triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Anh Lê Đình Thuận, Thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa cho biết: Dự án đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để bà con nông dân xích lại gần nhau, có những cách làm hay trao đổi cho nhau. Nhờ có dự án mình cũng biết được nhiều kỹ thuật rất hữu ích và các cách phòng trừ được sâu bệnh, cách điều tiết để hoa nở theo đúng ý muốn.

 

Nếu như tết năm 2016, nông dân huyện Sa Pa cung ứng cho thị trường khoảng 7.000 chậu hoa địa lan thì dự kiến dịp tết năm nay, số lượng địa Lan sẽ tăng lên gấp đôi, mang về cho người trồng khoảng 60 tỷ đồng. Nhờ phương pháp tách chồi mà từ năm 2016 đến nay, nhóm phụ nữ ở thôn Tà Chải, xã Tả Phìn đã nhận được hàng nghìn chậu lan, đưa loại cây này thực sự trở thành cây thoát nghèo cho nhiều hộ gia đình. Chị Tẩn Tả Mẩy, Thôn Tà Chải, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa cho biết: Từ khi dự án được triển khai đến giờ thì ai cũng biết làm, nhờ có cây lan này mà nhiều người mua được xe đẹp, xây được nhà.

Chị Tẩn Tả Mẩy cùng nhiều chị em khác trong hóm chăm sóc rất cẩn thận các chậu hoa địa lan

 

Dịp tết năm nay, gia đình anh Giàng A Chia sẽ có thu nhập ít nhất là 30 triệu đồng từ bán địa lan. Toàn bộ số lan này đều được sản xuất bằng phương pháp tách chồi, khi dự án được triển khai ở xã cách đây gần 3 năm. Cùng với việc xuất bán những chậu địa lan đầu tiên thì gia đình anh cũng đang chuẩn bị các điều kiện để ngay sau tết sẽ áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt cho hơn 100 chậu lan mới được tách ra. 

Sau Tết Nguyên đán này Anh Vàng A Chia lại tập trung chăm vườn hoa lan

Địa lan vốn là loại hoa rừng, vì vậy việc nhân giống thành công bằng phương pháp tách chồi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn giúp giảm áp lực khai thác địa lan trong tự nhiên. Loài hoa này có chu kỳ sinh trưởng tương đối dài và đòi hỏi quá trình chăm sóc khá khắt khe, vì vậy, khi dự án được triển khai, người dân được trang bị thêm các kiến thức kỹ thuật thì nghề trồng địa lan ở Sa Pa mới thực sự bền vững. Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sa Pa cho biết: Năm 2018 và dịp Tết năm 2019 này đã bán ra ngoài thị trường được khoảng 300 đến 500 chậu lan thành phẩm với giá một chậu là 4 triệu đồng. Từ dự án này đã nhân rộng phát triển ra các hộ lân cận không nằm trong dự án.

Thành công của Dự án "Phát triển sản xuất giống hoa địa lan bằng phương pháp tách chồi" không chỉ góp phần tăng thu nhập cho hàng trăm hộ dân ở huyện Sa pa, mà còn giúp nâng cao nhận thức của bà con về sự cần thiết phải áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc nhân tạo giống, trồng và chăm sóc không chỉ cây lan, mà với cả các loại cây trồng, vật nuôi khác.

 Ngọc Hà – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết