Khó nâng sao sản phẩm OCOP

18:26 19-06-2024 | :46

 

Laocaitv.vn - Tỉnh Lào Cai hiện có 205 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong số này, chỉ có 10 sản phẩm đạt 4 sao, chưa có sản phẩm nào đạt 5 sao. Hiện, việc nâng sao cho các sản phẩm OCOP đang gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thêm vào đó, tính bền vững của các sản phẩm OCOP cũng là vấn đề đang được đặt ra.

 

Năm 2021, quả bưởi Múc Thái Niên, huyện Bảo Thắng được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Hiện, sản phẩm này đang được chủ thể làm thủ tục để tái chứng nhận. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế, sản phẩm không còn sự hỗ trợ để hoàn thiện các thủ tục nên có thể sản phẩm này sẽ bị rớt hạng xuống còn 3 sao.

Năm 2021, quả bưởi Múc Thái Niên, huyện Bảo Thắng được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Bà Lưu Nguyệt Anh, Chủ nhiệm HTX Bưởi Múc, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng nói: “Để đảm bảo được tiêu chuẩn 4 sao thì toàn bộ các vườn bưởi của các thành viên trong hợp tác xã phải đánh giá lại theo tiêu chuẩn VietGAP và một số hồ sơ kèm theo, kinh phí khá tốn kém nên đang gặp khó khăn”.

Tính riêng năm 2023, Lào Cai có 9 sản phẩm OCOP phải đánh giá lại nhưng chủ thể không thực hiện. Một số sản phẩm không duy trì được nguồn nguyên liệu ổn định, không tìm được thị trường. Đã có 8 sản phẩm tụt hạng từ 4 sao xuống 3 sao do chưa có bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc tiêu chuẩn chế biến tiên tiến theo quy định.

Sản phẩm mật ong núi đá.

Ông Ngô Đình Chiến, HTX nuôi Ong mật xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng chia sẻ: “Vốn chưa đủ, khu vực hoa của địa phương để khai thác cũng chưa đủ, tiêu chuẩn 4 sao thì chất lượng và số lượng phải lớn”.

Dù có nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng thế nhưng rất ít chủ thể của Lào Cai đăng ký, xét nâng sao cho sản phẩm bởi các tiêu chí khắt khe, yêu cầu dây chuyền máy móc ở quy mô lớn. Thêm vào đó, rào cản về kinh phí hỗ trợ xây dựng, nâng sao sản phẩm OCOP còn ít, chủ yếu lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là vấn đề đáng quan tâm.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng cho biết: “Nâng sao cho sản phẩm OCOP rất phức tạp, cần phải các đơn vị tư vấn đánh giá như là một bản đăng ký xây dựng mới. Các chủ thể dù hiểu lợi ích của nâng sao OCOP cũng chưa đủ điều kiện để đầu tư, nâng sao cho sản phẩm OCOP của mình”.

Thực tế tại Lào Cai, vẫn còn sản phẩm OCOP chưa phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Thực tế tại Lào Cai cho thấy, vẫn còn sản phẩm OCOP chưa phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn có những giải pháp khả thi hơn. Đặc biệt, sự chủ động, linh hoạt, mạnh dạn đầu tư, đổi mới quy trình sản xuất của các chủ thể cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước là yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết