Kinh doanh lợn bản địa - Mô hình hiệu quả dành cho phụ nữ vùng cao

17:35 30-09-2021 | :1136

Laocaitv.vn - "Kinh doanh hiệu quả cùng phụ nữ dân tộc thiểu số, tự tin làm giàu từ lợn địa phương" là dự án được Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai tại một số xã trên địa bàn 2 huyện Mường Khương và Bắc Hà. Sau 2 năm triển khai, dự án được đánh giá khá hiệu quả khi tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho nhiều phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Khu chuồng trại chăn nuôi lợn của gia đình bà Hoàng Thị Hằng, ở thôn Na Hối Tày, xã Na Hối, huyện Bắc Hà được xây dựng khá ngăn nắp và sạch sẽ. Thức ăn cho đàn lợn là cám ngô và rau xanh do gia đình tự trồng, nguồn con giống cũng sản xuất tại chỗ. Đây là các biện pháp chăn nuôi lợn bản địa theo chuỗi giá trị được bà Hằng áp dụng khi tham gia dự án “Kinh doanh hiệu quả cùng phụ nữ dân tộc thiểu số, tự tin làm giàu từ lợn địa phương". "Bây giờ được tập huấn, hiểu biết nhiều hơn nên chăn nuôi cũng rất tiến tới", bà Hằng chia sẻ thêm.

Gia đình bà Vàng Thị Ưởng, trưởng nhóm chăn nuôi lợn đen ở thôn Na Áng A, xã Na Hối cũng đã có nguồn thu đáng kể từ giống sản vật địa phương; mỗi năm xuất bán 3 lứa lợn đen với trọng lượng gần 2 tấn. Thành quả này có được từ việc bà Ưởng và các hộ dân trong thôn được hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Bà Ưởng cho biết: "Trước đây hay cho lợn ăn linh tinh, nhưng bây giờ thì không cho lợn ăn thức ăn ôi thiu nữa. Riêng thôn Na Áng A không có dịch tả lợn châu Phi".

Mô hình nuôi lợn bản địa giúp nhiều hộ gia đình vùng cao có nguồn thu nhập ổn định.

Triển khai dự án, gần 600 hộ chăn nuôi của 16 thôn, thuộc địa bàn một số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc trưng của 2 huyện Mường Khương và Bắc Hà được hướng dẫn sinh hoạt định kỳ, tự bàn bạc, hoạch định kế hoạch chăn nuôi, kế hoạch xuất chuồng và chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc đàn lợn giữa các thành viên trong tổ nhóm.

Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y, Trưởng Ban quản lý dự án cho biết: "Sau 2 năm triển khai thực hiện dự án, các tổ nhóm ở các thôn bản đã quản lý an toàn sinh học trong cộng đồng, tức là người ta chủ động việc sản xuất thức ăn, con giống tại chỗ và quản lý an toàn sinh học".

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Na Hối, huyện Bắc Hà cho biết thêm: "Điều quan trọng đầu tiên là nâng cao nhận thức cho bà con về việc cải tạo vệ sinh môi trường; xây dựng khối đại đoàn kết trong các tổ nhóm với nhau, nhất là việc liên kết sản xuất, liên kết tiêu thụ".

Các hộ tham gia dự án sinh hoạt định kỳ để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi.

Sau 2 năm hoạt động, dự án được đánh giá cao khi 80% phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia chuỗi lợn an toàn sinh học khẳng định dự án đã giúp họ tăng thêm thu nhập; 60% phụ nữ có quyền quyết định trong việc chăn nuôi hoặc cuộc sống gia đình; 80% nam giới biết san sẻ việc nhà với chị em phụ nữ. Đây là cơ sở để ngành chức năng nghiên cứu, nhân rộng dự án trong thời gian tới.

An Hồng - Phạm Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết