Lào Cai - 30 năm khai phát nghề rừng

21:47 23-03-2021 | :472

Laocaitv.vn - Rừng được xem là một trong những nền tảng của sự phát triển bền vững. Là tỉnh miền núi, có diện tích rừng và đất rừng lớn, bởi vậy rừng càng đặc biệt có ý nghĩa đối với chiến lược phát triển của Lào Cai, nhận thức rõ như vậy nên trong nhiều năm qua cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lào Cai đã có nhiều giải pháp, chung sức, chung lòng gia tăng trở lại tỷ lệ che phủ cũng như phát huy được hiệu quả kinh tế từ rừng.

Ngược dòng thời gian

28 năm trước, trong những ngày đầu tỉnh mới được tái lập, rất dễ gặp hình ảnh những dòng người di cư nay đây mai đó để sinh cơ lập nghiệp. Và sau mỗi đợt đến rồi đi ấy, với tập quán canh tác lạc hậu, đốt rừng làm nương, người dân đã biến những vùng rừng nguyên sinh trở thành đất trọc, hoang hóa, bạc màu; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh khi ấy chỉ còn 18,1%.

Sau gần 25 năm tái lập, đến năm 2015, bằng nhiều giải pháp được triển khai một cách đồng bộ, Lào Cai đã nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 53,3%. Tuy vậy, những khó khăn trong việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của Lào Cai vẫn chưa hề vơi giảm. Một ví dụ là chỉ cách đây gần 6 năm, do giá sắn lên cao đột biến, nên nhiều hộ đã chặt rừng trồng để chuyển sang trồng sắn.

Anh Bùi Hữu Điều, thành viên quản lý bảo vệ rừng xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng cho biết: "Bắt đầu bà con có hiện tượng phát thì tôi cũng đã trực tiếp lên tận đồi, cùng với trưởng thôn đến tận nhà, mời ra thôn rồi báo cáo với xã. Xã cũng vào trực tiếp gặp bà con, bà con cũng chỉ ừ ừ vậy song họ vẫn cứ tiến hành bình thường".

Vấn đề là đất rừng sản xuất đã được giao lâu dài cho các hộ, Nhà nước chỉ quản lý bằng quy hoạch và chính sách, người dân được giao đất lâm nghiệp có thể vì lợi ích ngắn hạn, với lý do xen canh "lấy ngắn nuôi dài" để chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng thành đất canh tác, làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững của toàn tỉnh.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai cho biết: "Với đặc thù là tỉnh biên giới vùng cao, nhiều dân tộc, lâm nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trước hết về tốc độ tăng trưởng kinh tế thì ngành kinh tế lâm nghiệp đóng góp ngày một cao hơn trong tổng GDRP của tỉnh; thứ hai về mặt xã hội thì lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi tập trung sinh sống của các hộ nghèo, cận nghèo; về môi trường sinh thái, lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước đầu nguồn, điều hòa khí hậu và hệ sinh thái nói chung; về quốc phòng an ninh càng đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm quốc phòng an ninh ở trên địa bàn, cho nên phải đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng phát triển của rừng, chất lượng khai thác, chế biến của nghề rừng".

Một điều ai cũng thừa nhận, là Lào Cai rất giàu tiềm năng để phát triển nghề rừng. Quỹ đất có thể phát triển rừng còn chưa khai thác hết. Và ngay cả với diện tích đã đưa vào trồng rừng, vẫn có thể gia tăng thêm giá trị bằng các biện pháp kỹ thuật mới. Rừng Lào Cai sở hữu nhiều nguồn gen quý hiếm, khí hậu và thổ nhưỡng đất rừng Lào Cai có thể phát triển đa dạng các chủng loại cây khác nhau. Người dân các dân tộc Lào Cai đã nhiều đời chung sống với rừng, có kiến thức bản địa về rừng phong phú và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm phát triển kinh tế rừng. Khai thác những tiềm năng thế mạnh ấy, Đảng bộ tỉnh trong nhiều nhiệm kỳ qua đã xác định lâm nghiệp là một trong những đề án công tác trọng tâm, với các chính sách đồng bộ về quy hoạch, quản lý và giao khoán đất rừng, mở ra nhiều kênh vốn để hỗ trợ người dân trồng rừng, huy động cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân vào công tác phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng... Sau 5 năm nỗ lực, tức là đến hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, tỷ lệ che phủ rừng đã tăng gần 3%, từ 53,3% năm 2015 lên 56% năm 2020. Điều quan trọng hơn là, diện tích mới được phủ xanh trong 5 năm qua hầu hết là những vùng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như sa mạc hóa, núi dốc... Và chính kết quả bảo vệ, phát triển rừng đã góp phần quan trọng vào việc hạn chế tác động xấu của các hiện tượng thời tiết cực đoan, giúp Lào Cai chủ động hơn trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp.

Lào Cai đã nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 53,3% năm 2015 lên 56% năm 2020.

Tỷ lệ che phủ rừng 5 năm được nâng lên 3%. Nếu so với các giai đoạn trước mức tăng này không cao. Tuy nhiên, đây là kết quả từ sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, bởi điều kiện để nâng tỷ lệ tán che phủ của rừng ở giai đoạn này gặp phải nhiều bất lợi, như sự hạn hẹp về nguồn lực và quỹ đất. Diện tích đất để tiếp tục phát triển rừng phân bổ chủ yếu ở khu vực khắc nghiệt và nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế.

Để giải quyết những khó khăn này cơ quan thường trực của tỉnh trong nhiệm vụ phát triển rừng là Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cùng các cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp các hộ gia đình yên tâm gắn bó với nghề rừng.

Đẩy mạnh điều tra, quy hoạch, xác định rõ diện tích rừng, đất lâm nghiệp và chủ rừng

Một trong những vấn đề trong phát triển lâm nghiệp hiện nay là phải xác định rõ chủ rừng, tức là phải giao khoán toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Chủ trương của tỉnh là đến hết năm 2020 phải giao và cho thuê toàn bộ diện tích rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; để rừng có chủ thực sự, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực cho phát triển rừng. Trong đó, các hộ gia đình vẫn là đối tượng chủ rừng đông đảo nhất. Được giao khoán đất lâu dài, bà con đã có nhiều cách làm sáng tạo, như lấy ruộng nuôi rừng - dùng nguồn thu từ nông nghiệp trang trải cuộc sống hàng ngày để trồng rừng tạo nguồn thu lớn trong lâu dài.

Thực tế cho thấy, hầu như ở địa phương nào cũng xảy ra tình trạng chồng chéo về hồ sơ quản lý đất lâm nghiệp, đặc biệt là đất của các lâm trường, đất quy hoạch thực hiện các chương trình 327, 661 hay chương trình trồng 5 triệu ha rừng được triển khai trên toàn quốc trước đây.

Giải quyết vấn đề này các đơn vị chức năng đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương đề xuất hướng giải quyết ổn thỏa, lâu dài là giao lại diện tích đất các hộ đã ở và canh tác ổn định cho các hộ gia đình.

Để có cơ sở giải quyết vấn đề trên, lực lượng kiểm lâm đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc rà soát, đo đạc, kiểm kê rừng và đất lâm nghiệp. Đến nay, công tác kiểm tra ngoại nghiệp tại hàng nghìn thôn bản có rừng và đất lâm nghiệp đã được hoàn thành. Kết quả kiểm kê đã xác định Lào Cai có 434 nghìn héc-ta đất lâm nghiệp và gần 348 nghìn héc-ta đất đã có rừng. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hoàn thiện đề án phát triển lâm nghiệp bền vững của toàn tỉnh cũng như của mỗi địa phương, theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, huy động sự tham gia của người dân sống gần rừng

Rừng và đất rừng đã được giao khoán, các hộ nhận khoán đã chủ động trách nhiệm với diện tích được giao, vậy nhưng tình trạng rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh bị xâm lấn, chặt phá vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn hiện đang quản lý một diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, có giá trị cao về đa dạng sinh học, lại nằm trong vùng giáp ranh ba tỉnh. Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn đã được thành lập, cùng với Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Hoàng Liên, được hy vọng là lực lượng nòng cốt, hỗ trợ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học được quản lý chặt chẽ hơn.

Việc thành lập Hạt kiểm lâm tại Vườn quốc gia Hoàng Liên và Khu bảo tồn thiên hiên Hoàng Liên Văn Bàn là một trong những biện pháp nhằm kiện toàn, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Biện pháp đó, cùng với những nỗ lực của tập thể cán bộ của hai đơn vị bảo tồn thiên nhiên đã góp phần bảo tồn nguồn gen phong phú của núi Hoàng Liên, không chỉ góp phần vào công tác khoa học mà còn trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế du lịch Lào Cai.

Một thực tế cho thấy, việc lập thêm các trạm, các chốt kiểm soát theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương cũng như của tỉnh tại các địa bàn nóng về công tác bảo vệ rừng là không khó. Khó khăn và phức tạp hơn, là huy động được sự tham gia của toàn thể người dân vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, bởi không dễ gì làm thay đổi nhận thức của những cộng đồng đã bao đời nay sống dựa vào rừng. Các tổ công tác của lực lượng chức năng đã được thành lập và liên tục tăng cường xuống các địa bàn, về từng thôn bản, hộ gia đình, gặp từng người dân để tuyên truyền, vận động, giúp bà con hiểu rõ hơn ý nghĩa của công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Anh Nguyễn Đỉnh Điểm, Hạt Kiểm lâm Bát Xát cho biết: "Bà con trên này chủ yếu sống dựa vào rừng, canh tác ở gần rừng, bên cạnh họp thôn tuyên truyền chúng tôi còn tổ chức cho anh em xuống tận các nhà dân để vận động bà con Nhân dân, ví dụ như chăm sóc thảo quả thì không phát cây non. Hướng dẫn cho bà con trong việc đốt nương an toàn có kiểm soát, lập danh sách các hộ gia đình đốt nương đảm bảo không để xảy ra cháy rừng. Hiện ý thức của bà con rất tốt, bà con đã nghe theo cán bộ kiểm lâm, nghe cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và thực hiện rất tốt".

Kiên trì vận động và thuyết phục, nhận thức chung về rừng của các cộng đồng đã được nâng lên, và được thể hiện trong các bản hương ước, quy ước bảo vệ rừng.

Trong lễ ký cam kết bảo vệ rừng tổ chức ở thôn Nậm Păn, xã Nậm Tha, tất cả các gia đình trong thôn đều có đại diện tham dự. Sau những nghi thức ngắn gọn theo truyền thống, đại diện tất cả các hộ gia đình đã ký vào cam kết chung của cả bản. Mỗi người dân ở bản Păn giờ đây đã thực sự trở thành cánh tay nối dài của lực lượng kiểm lâm, hình thành một thành viên của lực lượng hùng hậu toàn dân bảo vệ rừng.

Với chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, Lào Cai là tỉnh đầu tiên trong cả nước thí điểm áp dụng việc khoán bảo vệ rừng cho doanh nghiệp tư nhân. Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển năng lượng Phúc Khánh có 12 trạm gác cửa rừng, với lực lượng chuyên trách hơn 20 người, bảo vệ 13 nghìn héc-ta rừng đầu nguồn Nậm Tha. Kinh phí khoán bảo vệ rừng không đủ để duy trì lực lượng chuyên trách, nhưng rừng tại đây vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt. Câu trả lời là ở dòng suối này, Công ty bảo vệ rừng chính là bảo vệ nguồn nước để duy trì sản xuất của nhà máy thủy điện. Tổng cục Lâm nghiệp đã đánh giá, đây là một mô hình sáng tạo mới, gắn bảo vệ rừng với quyền lợi của người nhận khoán, có thể tham khảo và nhân rộng sang các địa bàn rừng đầu nguồn của các nhà máy thủy điện riêng ở Lào Cai cũng như trong toàn quốc.

Một nguy cơ lớn có thể tàn phá thành quả của việc bảo vệ và phát triển rừng là nạn cháy rừng. Nguyên nhân của những vụ cháy rừng được xác định phần lớn là do sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, chủ quan trong quá trình phát đốt nương của gia đình. Chính bởi vậy, mỗi khi mùa khô tới, các lực lượng chức năng lại tỏa xuống từng địa bàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, tuyên truyền vận động; thậm chí ăn cùng, ở cùng để hướng dẫn người lớn biết cách phát triển kinh tế dựa vào rừng; hướng dẫn các em nhỏ biết cách phòng cháy rừng khi lùa đàn gia súc lên đồi.

Năm trước, gia đình chị Sìn Thị Ben ở xã Mường Hum, huyện Bát Xát đã sử dụng nương để trồng sắn. Được tuyên truyền trồng sắn sẽ làm đất nhanh bạc mầu, nên năm nay gia đình chị đã phát dọn, chuyển sang trồng cỏ voi để phát triển chăn nuôi trâu bò. Năm nào cũng phát dọn và đốt, nhưng mảnh nương này của chị ở một vị trí hết sức nhạy cảm, xung quanh là rừng tái sinh rất dễ bén lửa, nên mỗi lần phát đốt, chị đều cẩn thận tới báo và xin tư vấn từ cán bộ kiểm lâm. "Đốt cũng rất sợ cháy lan ra các rừng khác. Bởi vậy phải đi hỏi cán bộ trước, đốt thì mới an toàn. Lúc nào các anh cũng nhiệt tình lên tận nơi hướng dẫn để đốt cho khỏi cháy lan ra các nương khác", chị Sìn Thị Ben cho biết thêm. 

Cùng với nâng cao ý thức cho người dân, hoạt động diễn tập được lực lượng chức năng và các địa phương quan tâm thường xuyên tổ chức. Những tình huống giả định gần thực tế được lựa chọn, đã giúp các địa phương thêm phần chủ động trong việc vận hành phương châm huy động tối đa lực lượng tại chỗ, sử dụng các phương tiện, công cụ sẵn có để phát đường băng cản lửa để khống chế, dập tắt đám cháy. Qua các cuộc diễn tập này, đã phát hiện được những hạn chế và yếu kém, để mỗi lực lượng, mỗi địa phương rút kinh nghiệm và chủ động hơn trong hiệp đồng khi cháy rừng xảy ra.

Có ba nhiệm vụ cơ bản để nâng tán che phủ rừng là: Quản lý bảo vệ, phát triển rừng và khai thác sử dụng rừng. Như đã đề cập, phát triển rừng trong giai đoạn 2015 - 2020 gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế, diện tích có thể phát triển rừng phần lớn nằm ở các khu vực khắc nghiệt, đời sống và nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Vượt qua khó khăn này, tỷ lệ tán che phủ rừng của tỉnh tiếp tục được nâng lên là một thành quả lớn trong phát triển lâm nghiệp của Lào Cai.

Gắn phát triển rừng với sinh kế của người trồng rừng

Tại huyện Si Ma Cai những ngày trước tết, gần như toàn huyện luôn bị chìm ngập trong sương mù và rét buốt. Với khẩu hiệu, phải lo đủ cây giống cho vụ xuân trước khi lo tết, Ban quản lý rừng phòng hộ của huyện đã cắt cử cán bộ luân phiên giám sát, đồng thời huy động tối đa những nông dân thạo nghề, đã từng cộng tác sản xuất giống cùng tham gia chống rét, chăm sóc đảm bảo sức sinh trưởng của giống cây trồng tại các vườn ươm.

Chị Lù Thị Thi, ở đội 4, xã Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai cho biết: "Giá rét nên chúng tôi phải che đậy cho cây. Ăn tết cũng phải luôn chăm sóc cây, để đảm bảo chất lượng, cung cấp cho bà con đủ cây giống để trồng".

Anh Sùng A Xóa, thôn Bản Kha, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai cho biết: "Nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, bà con bỏ ra công sức để trồng, hàng năm lại hỗ trợ tiền để bà con chăm sóc. Hiện tại tôi đã trồng được 1 ha, nếu Nhà nước vẫn hỗ trợ tôi có thể đăng ký trồng thêm nhiều hơn nữa".

Đến nay, tất cả các hộ dân ở Bản Kha, xã Sín Chéng đều đăng ký tham gia trồng rừng. Bằng việc tham gia trồng rừng, gia đình anh Xóa cũng như nhiều hộ khác trong thôn đã giảm thiểu thời gian nông nhàn đồng thời có thêm thu nhập. Lâu bền hơn, khi khả năng phòng hộ của rừng được phát huy, bà con có thể chủ động nguồn nước để mở rộng diện tích làm hai ba vụ để phát triển kinh tế gia đình. Nguy cơ bị sa mạc hóa của Si Ma Cai đang dần được đẩy lùi từ công việc trồng rừng đều đặn hằng năm.

Thực ra, từ gần 30 năm qua, Nhà nước đã quan tâm đến việc làm thế nào để người trồng rừng có thể sống được từ rừng. Tuy nhiên, do hạn chế về chính sách cũng như do áp lực đời sống nên người dân ở các khu vực đặc biệt khó khăn còn chưa mấy mặn mà. Đến nay, từ hiệu quả của những mô hình cụ thể, cùng với sự cải thiện về cơ chế chính sách, nông dân Lào Cai đã chủ động hơn vào việc tham gia phát triển rừng.

Đồi quế của gia đình anh Khổng Văn Thanh ở thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, đợt đầu năm thu hoạch tỉa cũng đã có hơn 5 chục triệu đồng, chưa kể bán gỗ, cành hay lá quế, còn nếu chặt bán cả đồi anh Thanh sẽ thu được không dưới 1 tỷ đồng.

Anh Khổng Văn Thanh cho biết: "Năm 1993, huyện và xã có phong trào trồng rừng, phủ xanh đồi trọc tôi cũng đăng ký được 3 ngàn cây quế. Trước giá thành cũng kém nên tôi không tỉa. Cách đây hai ba năm giá quế mới lên. Ngay từ đầu trồng tôi cũng không nghĩ được giá như mấy năm nay. Nếu có thêm đất thì tôi sẽ còn trồng nhiều thêm".

Trồng quế đã đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều gia đình.

Còn tại bản Múi 1, xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên, gần như 100% số hộ gia đình đồng bào Dao đều tham gia trồng rừng. Hộ trồng ít nhất cũng hơn 1 ha, và có thu nhập khá tốt từ nghề rừng. Gia đình ông Triệu Kim Tiến trồng quế từ năm 2000, đến nay diện tích rừng của ông đã lên tới hơn 10ha. Ngoài thu nhập từ bán vỏ quế, cành lá quế cũng được ông thu gom để chế biến tinh dầu, thân gỗ được ông lạng thành vàn mỏng cung cấp cho thị trường. Năm nào ông Tiến cũng thu được khoảng 120 triệu đồng.

Mô hình phát triển kinh tế bền vững bằng nghề trồng rừng của đồng bào Dao ở Bản Múi 1 dần được đồng bào dân tộc Mông ở Bản Múi 3 tiếp cận. Ban đầu, người Mông đi làm thuê chăm sóc rừng để học nghề trồng quế. Sau đó, bà con chủ động trồng trên diện tích đồi rừng được giao khoán.

Anh Giàng Seo Chẩn, ở Bản Múi 3, xã Yên Sơn, Bảo Yên cho biết: "Tôi về cũng vận động bà con phải trồng rừng để phủ xanh cho đất, đảm bảo cho ruộng nước, đảm bảo cho tưới tiêu, cuộc sống bền vững lâu dài".

Khai thác, sử dụng rừng hợp lý, gia tăng giá trị của rừng.

Nhà máy MDF ở huyện Bảo Yên không chỉ tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 230 lao động là người dân địa phương, mà còn có hàng ngàn lao động khác được hưởng lợi thông qua việc cung ứng nguyên liệu cho nhà máy. Cụ thể là khi cả 4 dự án thành phần gồm: Nhà máy sản xuất ván tre, nhà máy sản xuất ván dán, nhà máy sản xuất ván MDF và nhà máy sản xuất ván thanh đi vào hoạt động thì vùng nguyên liệu theo thiết kế sẽ lên tới 30 nghìn ha, tạo đầu ra ổn định, vững chắc cho diện tích rừng trồng trên địa bàn nhà máy.

Những năm qua, nhiều dự án chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành và đi vào sản xuất, tạo lực đẩy quan trọng cho nghề trồng rừng. Gia đình chị Phạm Thị Bích Ngọc ở thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng thu mua gỗ của bà con để chế biến hàng ngày. Trước kia, những cây gỗ nhỏ chỉ được bà con nông dân bán làm củi, họa hoằn những cây to, thẳng mới được một vài cơ sở chế biến lâm sản dưới xuôi thu mua để làm đũa song giá cũng rất thấp. Còn hiện nay, tất cả các loại cây thân gỗ, to nhỏ đều có thể bóc thành ván và tiêu thụ khá tốt.

Chị Phạm Thị Bích Ngọc, ở thôn 2, thị trấn Phong Hải cho biết: "Tôi mua gom ở các hộ dân, không chỉ ở Phong Hải mà còn ở các xã lân cận như Bản Phiệt, Bản Cầm, Thái Niên. Bây giờ mọi người cũng đang mua rất nhiều quế giống về trồng. Đây là cây có năng suất cao, không những bán gỗ, bán vỏ mà cả cành lá. Dân thấy lãi suất cao sẽ đầu tư vào để trồng".

Các cơ sở chế biến lâm sản tạo công ăn việc làm trực tiếp cho nhiều lao động, và hàng ngàn lao động khác được hưởng lợi thông qua việc cung ứng nguyên liệu.

Nếu các cơ sở chế biến giúp gia tăng giá trị sản phẩm của rừng trồng, thì việc khai thác nguồn lợi từ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và cảnh quan lại được tiếp cận theo một hướng khác. Việc thành lập Quỹ môi trường rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng chính là yếu tố gắn kết giữa các chủ thể liên quan tới rừng. Sau 8 năm thành lập, quỹ đã huy động được hàng trăm tỷ đồng từ các doanh nghiệp hưởng lợi từ rừng như các nhà máy thủy điện, các doanh nghiệp du lịch... tạo nguồn tài chính vững chắc để chi trả cho công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên và trồng rừng mới.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai cho biết: "Từ việc khai thác là chính đến nay đã chuyển dần thành việc nuôi dưỡng và phát triển lâu dài, làm giàu từ nghề rừng. Từ việc quảng canh, đến nay chúng ta đã đa canh, thâm canh để nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp. Từ việc Nhà nước quản lý là chính hiện nay chúng ta đã phát triển ra nhiều thành phần kinh tế để đảm bảo thực hiện có hiệu quả hơn. Tận dụng nhiều sản phẩm ngoài gỗ rừng như việc phát triển cây quế, từ tinh dầu quế, từ vỏ quế hoặc một số cây trồng khác. Và tiếp nữa là sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đảm bảo cho người dân khu vực này ổn định cuộc sống bảo vệ biên cương, bảo vệ biên giới, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn".

Với các giải pháp đồng bộ, phù hợp về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và khai thác sử dụng rừng một cách hợp lý, hiệu quả, đến nay, chúng ta đã về đích mục tiêu nâng tỷ lệ phủ rừng lên 56% mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra. Tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm đó, Lao Cai sẽ không chỉ tạo ra sự bền vững cho bản thân nền kinh tế lâm nghiệp, mà còn tạo ra nền tảng quan trọng để toàn bộ nền kinh tế địa phương phát triển bền vững trong lâu dài.

Quang Thuận - Thúy Ngân - Huy Trường - Quốc Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết