Liên kết sản xuất và tiêu thụ chuối giữa nông dân và doanh nghiệp

08:46 31-12-2020 | :588

Laocaitv.vn - Khi nông dân liên kết với doanh nghiệp cùng sản xuất và tiêu thụ thì câu chuyện được mùa mất giá đã khác. Cùng chia sẻ lợi ích, minh bạch trong lợi nhuận thu được - Đây chính là cách để nông dân trồng chuối ở Lào Cai liên kết bền chặt với doanh nghiệp khi thực hiện trồng chuối trên quy mô lớn. 

Gia đình anh Đặng Văn Thanh ở thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát là một trong hai trăm hộ dân đang trồng chuối VietGAP được hướng dẫn nhiều biện pháp canh tác an toàn. Cây chuối giống, một phần phân bón, túi bọc và dây níu cây được doanh nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, điều mà anh Thanh mong muốn là  doanh nghiệp đưa ra giá sàn để bà con xây dựng kế hoạch sản xuất. Theo anh Thanh, có giá sàn tức là bà con đã biết được giá cả sản phẩm của mình, từ đó sẽ cân đối đầu tư để chăm sóc cây trồng tốt hơn.

Người trồng chuối mong muốn có một mức giá sàn để yên tâm sản xuất.

Tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương bà con có cơ hội bán được chuối với giá cao hơn khi khai thác thêm cả thị trường nội tiêu. Thành lập các Tổ hợp tác là một mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết, giúp người dân chuyển từ sản xuất quy mô nhỏ sang phát triển hàng hóa tập trung quy mô lớn.

Doanh nghiệp đang thực hiện ký hợp đồng trực tiếp đến từng hộ dân để mối liên kết với nông dân bền chặt. Đồng thời, minh bạch giá bán, từng khoản chi phí, cùng nông dân hoạch định kế hoạch sản xuất. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sẽ được chia đôi.

Ông Hoàng Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Bằng cho biết: “Công ty ký hợp đồng với dân 7 năm – 1 chu kỳ chuối. Dân bỏ công sức và đất, phía doanh nghiệp sẽ hướng dẫn kỹ thuật từ khi trồng đến lúc bán sản phẩm. Doanh nghiệp và người dân cùng tìm thị trường để tiêu thụ đầu tư. Khi có tem truy xuất, đơn vị nhập khẩu chỉ cần quét mã để biết nguồn gốc sản phẩm, nên họ rất tạo điều kiện cho công ty xuất khẩu”.

Sản phẩm chuối có nguồn gốc rõ ràng sẽ tiêu thụ tốt hơn.

Để phát triển bền vững, nông dân không thể phát triển nhỏ lẻ, tự phát mà cần chuyển sang liên kết theo chuỗi và chỉ cần tham gia vào một khâu trong chuỗi liên kết. Khi nông sản đạt các tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng được các yêu cầu của người tổ chức sản xuất thì khi đó, nông dân sẽ đạt thu nhập cao nhất. Chính vì vậy, thay đổi nhận thức trong sản xuất của nông dân, tạo liên kết là quan trọng nhất.

Ngọc Hà – Thành Thuận – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết