Logistics tại Lào Cai: Biến tiềm năng thành lợi thế

17:25 08-09-2022 | :952

Laocaitv.vn - Với lợi thế kinh tế cửa khẩu, tiềm năng và dư địa phát triển dịch vụ Logistics của Lào Cai là rất lớn. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành thế mạnh vẫn là thách thức lớn. Do vậy, tỉnh đặt ra chiến lược nhằm tạo đột phá trong lĩnh vực Logistics với tham vọng trở thành cực tăng trưởng, kết nối thị trường Việt Nam và ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.

Khu Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành hiện có 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics, quy mô gần 20 ha. Các công ty này chủ yếu đáp ứng nhu cầu về kho bãi, sang tải đối với hàng nhập khẩu. Còn đối với hàng xuất khẩu thì vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện.

Trong khi đó, Công ty Logistics 379 là doanh nghiệp duy nhất có chức năng kho bãi đối với cả hàng xuất và hàng nhập. Vậy nhưng, hiện tại công ty này vẫn cần phải đầu tư rất lớn về hạ tầng mới đáp ứng yêu cầu.

Ông Nguyễn Duy Lộc, quản lý Công ty Logistics 379 cho biết: "Chúng tôi muốn đưa ra tất cả các loại hình dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên có vấn đề chính là yếu tố về con người, hàng nông sản cần chuyển tải, bảo quản hàng hóa khi mưa nắng... Công ty đầu tư tương đối lớn nhưng chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của các doanh nghiệp".

Lào Cai có tiềm năng rất lớn để phát triển Logistics nhưng chưa hình thành được chuỗi Logistics mang đúng nghĩa của nó.

Lào Cai chưa hình thành được những trung tâm Logistics liên hoàn, đảm bảo các điều kiện trong chuỗi sản xuất và lưu thông. Khó khăn lớn nhất là chưa có quy hoạch phát triển ngành Logistics cả về tổng thể hạ tầng, chiến lược phát triển và chính sách quản lý.

Ông Đặng Quyết Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics Kim Thành cho rằng: "Chúng ta coi các cửa khẩu đường bộ giống như các con kênh đào, khơi thông sự khác biệt về chính sách giữa 2 quốc gia, thậm chí giữa một quốc gia lớn như Trung Quốc với khu vực ASEAN. Tạo được sự khơi thông đó thì có cơ hội cho Logistics phát triển".

Ông Hà Đức Thuận, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Lào Cai cho biết: "Các doanh nghiệp đầu tư kho bãi chủ yếu phục vụ cho việc đậu đỗ phương tiện và thu phí bến bãi; còn khai thác về Logistics ví dụ như vận tải, bốc xếp lại do các doanh nghiệp khác, thậm chí đa phần do các hộ kinh doanh cá thể cung cấp dịch vụ, nên chưa hình thành chuỗi Logistics mang đúng nghĩa của nó".

Giai đoạn 2021 - 2025, Lào Cai phấn đấu đưa Khu Kinh tế cửa khẩu trở thành 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm của cả nước. Trong đó mục tiêu đưa giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Bởi vậy, cùng với việc mở rộng quy hoạch, tỉnh đang tích cực thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển dịch vụ Logistics.

"Về phát triển khu Logistics Kim Thành - Bản Vược, tương lai sẽ là khu trọng tâm, trọng điểm trong Khu Kinh tế cửa khẩu. Sau việc quy hoạch, chúng tôi đang tích cực tham mưu và lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược để phát triển Logistics bài bản, tầm cỡ", ông Hà Đức Thuận cho biết thêm.

Tới đây dự án Cảng hàng không Sa Pa sẽ chính thức được khởi công và dự kiến hoàn thành trước năm 2025. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với chủ trương mở rộng đường cao tốc đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn đường, nâng cấp khổ ray 1.435 mm đường sắt đoạn từ ga Lào Cai sang Hà Khẩu (Trung Quốc). Những dự án lớn này kỳ vọng sẽ giúp tăng đáng kể năng lực vận tải, thúc đẩy ngành Logistics phát triển; dần hiện thực hóa mục tiêu thành cực tăng trưởng, kết nối khu vực Tây Nam Trung Quốc với các nước ASEAN theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị.

  Trung Kiên - Quang Ánh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết