Mai An Tiêm của bản Nậm Sài

11:39 12-11-2018 | :1076

Laocaitv.vn - Ông Nguyễn Danh Minh ở xã Nậm Sài, huyện Sa Pa được nhiều người dân ở đây biết đến ông và gọi ông với cái tên thân mật “Mai An Tiêm của bản Nậm Sài”. Không phải ngẫu nhiên mà cái tên này được đặt cho người đàn ông mới về lập nghiệp trên mảnh đất Nậm Sài hơn 14 năm nay, mà bởi người dân ở đây quý trọng cái tình, cái nghĩa của người đầu tiên mang giống dưa hấu về trồng trên mảnh đất Nậm Sài này.

Để đến được với “hoang đảo” – cách người dân ở Nậm Sài gọi vui về trang trại của ông Nguyễn Danh Minh, chúng tôi phải đi bộ hơn 30 phút mới đến nơi, bởi cơn mưa vào những ngày đầu đông làm con đường đất thêm lầy lội và khó đi. Chia sẻ về quãng thời gian lập nghiệp trên mảnh đất Nậm Sài, ông Nguyễn Danh Minh cho biết: Chắc cũng chưa có mấy ai ở cái tuổi như tôi quyết tâm bỏ quê hương để lên đây thuê đất làm nông nghiệp. Ở cái tuổi 55, ông Minh cùng với gia đình của mình ở Hòa Bình dắt nhau lên Nậm Sài sinh sống, vốn có kiến thức trước kia ở nông trường Cao Phong, Hòa Bình, ông Minh đã mạnh dạn xin thuê đất ở Nậm Sài để bắt đầu làm nông nghiệp. Từ mảnh đất ở tít trên tận lưng chừng núi, nơi trước kia người dân chỉ chăn thả trâu, bò đã được ông Minh và gia đình bỏ công cải tạo đưa vào trồng thử nghiệm dưa hấu. Có kinh nghiệm từ trước nên ông Minh rất tự tin khi đưa cây dưa hấu vào trồng trên đất Nậm Sài, bởi khí hậu ở đây là vùng khí hậu bán ôn đới, nên rất thích hợp trồng cây ăn quả và cây có múi. Thành công ngay từ vụ dưa hấu đầu tiên đã là minh chứng đúng cho lối đi đúng hướng của ông Minh. Dưa hấu được trồng trên đất Nậm Sài quả to, đẹp, lại có nhiều nước nên đã được nhiều thương lái đến thu mua và đặt hàng. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng dưa hấu của ông Minh, nên nhiều hộ dân không chỉ ở Nậm Sài mà ở xã Nậm Cang, Suối Thầu đều đến ông Minh để học hỏi. Không giấu nghề, ông Minh đều tận tình truyền dạy kỹ thuật, kinh nghiệm trồng dưa hấu cho bà con, giờ đây cả xã Nậm Sài đều trồng dưa hấu, nhiều gia đình đã thoát được đói nghèo nhờ loại cây này.

Vùng cao Nậm Sài sinh trái ngọt. (Ảnh: Thế Long)

Năm 2017, ông Nguyễn Danh Minh là hộ gia đình đầu tiên của xã Nậm Sài thu được gần 1 tỷ đồng từ trang trại trồng cây ăn quả. Đến nay, sau hơn 14 năm lập nghiệp ở Nậm Sài, ông Minh đã có gia sản hơn 7ha cây ăn quả với  trên 3.600 cây chủ yếu là trồng cam V2, cam Sành, cam Canh, chanh Tứ quý… Cây ăn quả được ông Minh trồng theo phương pháp sạch, chủ yếu được chăm bón bằng các loại phân hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên bảo đảm an toàn chất lượng, được các thương lái trong và ngoài huyện tới tận nơi thu mua. Ông Minh cho biết, do hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu vùng đất Nậm Sài, cây ăn quả ở đây dù quả nhỏ, nhưng có chất lượng tốt, mỏng vỏ, vị ngọt sắc, được người tiêu dùng ưa chuộng. So với các cây hoa màu khác như ngô, lạc, đậu… cây dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2 - 3 lần. Gần 70 tuổi, ở cái tuổi mà người ta đã nghỉ hưu, rồi an hưởng tuổi già, nhưng với ông Minh tâm niệm duy nhất của ông là còn sức khỏe, còn minh mẫn thì vẫn còn phải làm, phải mở rộng hơn nữa trang trại của gia đình. Chia sẻ về những dự định trong tương lai, ông Minh cho rằng, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao sẽ là xu thế của địa phương và chính ông cũng đang suy nghĩ để đưa những lợi thế của công nghệ về áp dụng trên trang trại trồng cây ăn quả của mình. 

Ông Giàng A Tình - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sa Pa cho biết: “Từ mô hình trồng dưa hấu và cây ăn quả của ông Trần Danh Minh, nhiều hộ dân không chỉ ở Nậm Sài mà còn ở xã Nậm Cang, Suối Thầu bà con cũng đã tìm đến để học hỏi kinh nghiệm, nhiều hộ dân nhờ trồng dưa hấu đã thoát được đói nghèo, từ đó, hình thành vùng sản xuất dưa hấu lớn của địa phương cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn dưa hấu sạch, được xuất đi các tỉnh lân cận và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong thời gian tới, hội sẽ có những kiến nghị để có biện pháp hỗ trợ kỹ thuật, cùng bà con xây dựng vùng dưa và cây ăn quả sạch, chất lượng, phát huy hiệu quả kinh tế và nâng cao giá trị của những loại cây trồng này”.

Cây ăn quả trên vùng đất Nậm Sài đang được kỳ vọng sẽ trở thành cây xóa đói giảm nghèo bền vững, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc trên địa bàn hạ huyện Sa Pa. Những chính sách khuyến khích cùng sự hỗ trợ kịp thời sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của vùng đất nơi đây ./.

Thế Long

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết