Mường Khương khởi sắc nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp

16:50 20-08-2019 | :1594

Laocaitv.vn - Huyện biên giới Mường Khương có nhiều xã địa hình dốc, thường xuyên thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt và phát triển nông nghiệp. Đứng trước khó khăn này, người dân địa phương đã tìm cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng cây lúa, cây ngô sang trồng cây quýt, đây là loại cây trồng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng của Mường Khương. Đến nay đã trở thành cây thế mạnh của huyện vùng cao này, góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân.

Sau 3 năm trồng và chăm sóc, cây quýt ở thôn Sa Pả 10, thị trấn Mường Khương đã bắt đầu cho mùa quả ngọt.

Những nương đồi nhiều đá, lại thiếu nước, cộng với khí hậu khắc nghiệt khiến các loại nông sản như lúa, ngô đạt năng suất thấp, vậy nhưng, mấy năm nay, những mảnh nương này chuyển sang trồng cây quýt, đang lên xanh tốt và cho người dân nơi đây những mùa quýt ngọt ngào. Sau 3 năm trồng và chăm sóc, cây quýt ở thôn Sa Pả 10, thị trấn Mường Khương đã bắt đầu cho mùa quả ngọt, không chỉ mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng cây ngô, hướng đi này còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, để họ thoát nghèo, làm giàu ngay tại mảnh đất của gia đình mình. Anh Pờ Mìn Phù, thôn Sa Pả 10, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương chia sẻ: "Trồng cây ngô bán chẳng được bao nhiêu tiền cả, mình vẫn phải đi làm thuê. Bây giờ nhà mình trồng cây quýt thì thu hoạch cũng khá khá, mình không phải đi làm thuê ở đâu nữa, giờ chỉ tập trung trồng và chăm sóc cây ăn quả này thôi".

Từ những diện tích trồng thử nghiệm, đến nay toàn huyện Mường Khương đã có tới trên 400 ha quýt ở nhiều xã. Cùng với mở rộng diện tích, các địa phương đã tập trung hướng dẫn bà con nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả. Tại xã Tung Chung Phố, người nông dân đã mạnh dạn tham gia mô hình trồng quýt theo quy trình Vietgap, dưới sự hướng dẫn thường xuyên và sát sao của đội ngũ cán bộ khuyến nông. Anh Trần Quang Trung, cán bộ Khuyến nông xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương cho biết: "Lúc bắt đầu chúng tôi được đi tập huấn ở tỉnh cũng rất bỡ ngỡ, sau khi tập huấn chúng tôi mới biết tiêu chuẩn Vietgap có những yêu cầu rất là cao, phải có thời gian, nhân lực và phải bỏ nhiều công chăm sóc. Hàng tuần chúng tôi vẫn có lịch để xuống hướng dẫn người dân cắt tỉa cành sâu, cành vượt, bón phân cho gốc quýt sao cho cân đối, hợp lý".

Huyện Mường Khương đang tập trung hướng dẫn bà con nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả.

Những cây quýt trĩu quả, vươn mình từ những triền đá cằn cỗi như minh chứng cho ước vọng của của người dân Mường Khương trong cuộc chiến chống cái đói, cái nghèo, kỳ vọng vào loại cây trồng này sẽ mang lại ấm no cho mảnh đất quê hương. Bà Lùng Thị Dui, thôn Na Cạp, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương cho biết: "Quýt năm nay năng suất chắc được hơn năm trước nhiều, năm trước là năm thứ 3, cây chưa phát triển nên mình chưa để quả, năm nay một nửa được thu rồi, chắc cũng phải được 3 tấn. Bà con rất vui, rất thích trồng".

Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như Mường Khương, thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp là rất quan trọng. Không riêng tại huyện Mường Khương mà trên địa bàn toàn tỉnh, đến nay, đã có hàng trăm ha đất được chuyển đổi sang các cây trồng phù hợp như: Rau ngắn ngày, dâu tằm, cây ăn quả chịu hạn, chịu ngập úng… Qua đó, đã tận dụng được diện tích đất mà trước đây rất khó canh tác để đưa vào sản xuất nâng cao thu nhập cho người nông dân.  

 Thu Hường – Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết