Những thanh niên dân tộc thiểu số năng động trên mặt trận phát triển kinh tế

10:52 14-07-2020 | :805

Laocaitv.vn - Với sức trẻ và tinh thần dám nghĩ, dám làm, thời gian qua, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát đã thành công trên mặt trận phát triển kinh tế. Từ đó, đánh thức khát vọng làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương trong cộng đồng dân cư.

Với mong muốn được thử sức mình ở một lĩnh vực phát triển kinh tế hoàn toàn mới mẻ tại địa phương, cách đây gần 4 năm chàng trai trẻ Vàng Láo Sử, ở thôn Láo Vàng, xã Phìn Ngan đã quyết định lên núi tìm nguồn nước, làm bể để thực hiện mô hình nuôi cá nước lạnh. Vừa làm vừa học hỏi đúc rút kinh nghiệm, đến nay, từ 1 bể ban đầu anh Sử đã phát triển thêm 4 bể nuôi cá nước lạnh. Mỗi năm, mô hình nuôi cá nước lạnh mang lại cho gia đình anh nguồn thu lên tới hàng trăm triệu đồng.

Anh Vàng Láo Sử cho biết, gia đình bắt đầu nuôi cá từ năm 2016, lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay công việc chăn nuôi đã đi vào ổn định. Theo anh Sử, yếu tố quan trọng nhất trong nuôi cá nước lạnh là lựa chọn con giống và nguồn nước phải đảm bảo, trong đó, con giống là khâu then chốt. “Có nhiều nơi cung cấp giống cá hồi, tôi tiến hành nuôi các loại giống khác nhau, sau đó chọn lựa con giống phù hợp nhất với khí hậu và nguồn nước để đảm bảo chúng phát triển tốt. Gia đình chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, mỗi năm doanh thu đạt trên 200 triệu đồng”, anh Sử cho biết thêm.

Khi mô hình nuôi cá nước lạnh bắt đầu cho những tín hiệu vui, anh Vàng Láo Sử đã tích cực tuyên truyền, vận động một số hộ gia đình, nhất là các bạn trẻ trong thôn cùng tham gia thực hiện mô hình với mình. Hiện nay, trên đỉnh núi của khu vực thôn Láo Vàng đã có 6 cơ sở chăn nuôi cá nước lạnh với quy mô nhỏ và vừa, giúp nhiều gia đình từ diện hộ nghèo trở thành hộ khá và giàu trong thôn.

Mô hình nuôi cá nước lạnh của anh Vàng Láo Sử đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đã từng trắng tay sau cơn lũ lịch sử năm 2016, đến nay cuộc sống của anh Chảo Láo Khờ, ở thôn Van Hồ, xã Phìn Ngan đã dần ổn định trở lại và phát triển đi lên nhờ mô hình trồng cây sa nhân tím.

Để cây sa nhân tím cho hiệu quả kinh tế cao, cùng với việc thực hiện tốt công tác chăm sóc, anh Khờ đã chủ động thực hiện sản xuất, thu hoạch và cung ứng ra thị trường mà không qua khâu trung gian. Anh Chảo Láo Khờ cho biết, cây sa nhân tím đã giúp kinh tế gia đình anh đi lên từ sau trận lũ năm 2016. Chỉ sau 2 năm anh đã xây lại được nhà và mua được xe. Cũng theo anh Khờ, trước đây muốn tiêu thụ sa nhân phải chờ thương lái đến thu mua nên giá cả thất thường và không cao. Vì vậy, sau khi mua xe anh đã tự vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ, không phải qua khâu trung gian nên giá thành cũng cao hơn.

Cây sa nhân tím đã giúp anh Khờ đi lên từ 2 bàn tay trắng.

Với những gì đã làm được, thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát một lần nữa khẳng định được bản lĩnh, quyết tâm của tuổi trẻ địa phương trong việc phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Từ đó, góp phần đánh thức và khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên vùng đất khó.

Mai Huệ - Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết