Sửa quần áo - nghề không chỉ là may vá

10:46 06-04-2021 | :2286

Laocaitv.vn - Nghề sửa quần áo đã có từ lâu, từ thời vải vóc còn khan hiếm. Ngày nay, tuy ngành may mặc phát triển nhưng nghề sửa quần áo vẫn còn chỗ đứng, không chỉ đơn thuần sửa đồ cũ mà nay khách hàng còn sửa thêm đồ mới. Chính vì vậy, công việc này vẫn được không ít người lựa chọn để mưu sinh.

 

Chị Phòng tư vấn cho khách hàng.

Chị Đỗ Thị Phòng ở phường Kim Tân đã gắn bó với nghề sửa quần áo nhiều năm. Với đôi tay khéo léo của mình, chị đã biến những bộ quần áo từ bình dân đến hàng hiệu trở nên hợp, vừa với vóc dáng của khách hàng hơn. Công việc của chị thường bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào lúc chiều muộn. Chị Phòng chia sẻ: “Nghề sửa quần áo cũng là cái nghiệp, tôi yêu nghề nên theo nghề này. Trước thì may quần áo, giờ nhu cầu may ít thì tôi chuyển sang sửa chữa. Làm nghề này phải thật tốt và nhiệt tình thì khách hàng mới đến với mình”.

Nghề sửa quần áo không cần không gian rộng, chỉ cần tiện đường qua lại tự khắc sẽ có nhiều người chú ý và thu hút khách. Nghề này đòi hỏi người thợ sửa quần áo phải thật sự khéo léo, tỉ mỉ và biết chiều ý khách, như vậy mới có thể làm nghề lâu dài. Chị Nguyễn Lê Hằng, phường Bắc Cường là một trong những khách hàng có nhu cầu sửa quần áo thường xuyên, chị cho biết: “Ở nhà có thể không có dụng cụ đầy đủ để sửa chữa quần áo và bản thân tôi không khéo léo trong chuyện may vá nên mang ra hiệu sửa đồ sẽ đẹp hơn. Các chị chủ sửa chữa quần áo ở đây rất nhiệt tình, sửa rất vừa ý tôi".

Nghề sửa quần áo cho thu nhập không cao nhưng ổn định.

Giá thành sửa quần áo không cao từ 10.000 đến 70.000 đồng, tùy độ khó của việc sửa. Tuy nhiên, nghề này có việc làm quanh năm nên cũng giúp người thợ sửa quần áo có thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cuộc sống gia đình. Chị Phòng chia sẻ thêm: “Thu nhập ổn định thôi nhưng không cao, đủ trang trải cuộc sống nhưng dư thì không có”.

Lặng lẽ một góc phố, bên chiếc máy may, mỗi ngày những người thợ sửa quần áo vẫn say sưa, miệt mài làm đẹp cho nhiều người bằng trách nhiệm, tình yêu với công việc, góp phần tạo nên một nét văn hóa đặc trưng bình dị giữa cuộc sống nhộn nhịp nơi phố thị hôm nay./.

Bài, ảnh: Thùy Anh - Đình Hiếu


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết