Laocaitv.vn - Cùng với rất nhiều mô hình kinh tế lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, như trồng cây quế, cây bồ đề lấy nhựa, cây dược liệu dưới tán rừng… Mới đây, Công ty Lâm nghiệp Tây bắc đã đưa giống cây bạch đàn cấy mô vào sản xuất tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên và bước đầu đã cho thấy thành công, mở ra một hướng đi mới trong sản xuất lâm nghiệp.
Các ngành chức năng đo thân cây bạch đàn sau 3 năm trồng.
Đồi Bạch đàn cấy mô của Công ty Lâm nghiệp Tây Bắc có diện tích lên tới 60 ha. Những hàng cây bạch đàn mạnh mẽ vươn mình đều tăm tắp. Mặc dù mới 3 năm tuổi nhưng nhiều cây đã có chiều cao từ 8 - 10 m, có đường kính khoảng 12 - 13 cm. Theo tính toán, khối lượng tăng trưởng của bạch đàn cấy mô có thể đạt được 25 – 30 m3/ha/năm. Chu kỳ khai thác ngắn, hiệu quả kinh tế cao hơn 1,5 - 2 lần so với bồ đề gieo ươm và một số loại cây lấy gỗ khác. Ông Nguyễn Đình Tăn, quản lý Công ty Lâm Nghiệp Tây Bắc cho biết: “Loại cây này so với cây bồ đề, cây trẩu năng suất cao, 4 năm đã cho khai thác, chu kỳ 3 lần khai thác trong 12 năm. Năng suất bình quân đạt trên 20 khối/ha/năm”.
Ngoài ưu điểm tỷ lệ cây sống cao, thân to, khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, bộ rễ của cây bạch đàn cấy mô còn có tác dụng cải tạo đất, không làm đất bị chai, bạc màu, nhanh khép tán, tác dụng phòng hộ tốt hơn một số cây rừng khác. Ông Phạm Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên cho biết: “Huyện và tỉnh có chủ chương hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư cho Công ty Lâm nghiệp Tây Bắc, cụ thể là trồng cây bạch đàn cấy mô, sau 3 năm thực hiện chúng tôi thấy, bước đầu đã có hiệu quả. Đây là một loại cây trồng mới mà Công ty Lâm nghiệp Tây Bắc đã mạnh dạn đưa vào trồng nhằm khuyến khích bà con Nhân dân tích cực tham gia phát triển rừng”.
Đồi cây bạch đàn thẳng đều tăm tắp.
Mô hình bạch đàn cấy mô được ngành Lâm nghiệp đánh giá là đổi mới phương thức canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất lâm nghiệp, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.
Thành công bước đầu từ mô hình trồng bạch đàn nuôi cấy mô đã mở ra hướng đi mới cho người dân về đầu tư thâm canh rừng sản xuất hiệu quả, bền vững trên địa bàn huyện Bảo Yên nói riêng và của tỉnh Lào Cai nói chung.
Thế Văn
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết