Laocaitv.vn - Cây chè trồng trên đất Mường Hum, huyện Bát Xát nổi tiếng thơm ngon, hiện đã phát triển được trên 100 ha. Nhằm khai thác thế mạnh này, thời gian qua hộ anh Trương Văn Hướng, chị Hoàng Thị Xuyến người dân tộc Giáy ở thôn Mường Hum đã quyết tâm khởi nghiệp bằng việc đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng thương hiệu chè cho vùng đất này.
Đồi chè đặc sản rộng hơn 3 ha của gia đình anh Hướng, chị Xuyến ở thôn Mường Hum, xã Mường Hum, huyện Bát Xát được sản xuất theo quy trình VietGAP. Cây chè Bát Tiên và Shan Tuyết được gia đình anh trồng, chăm sóc đốn tỉa, làm cỏ thường xuyên nên phát triển tốt.
Chị Hoàng Thị Xuyến cho biết: “Khâu chăm sóc cây chè được chúng tôi thực hiện theo đúng quy định, tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ. Vào mùa sâu bệnh thì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để cây chè phục hồi và đúng thời gian mới được thu hái”.
Sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Mường Hum.
Với mong muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả từ loại cây trồng này, thay vì bán sản phẩm búp chè tươi, gia đình anh Hướng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nhà xưởng, máy móc và thành lập HTX sản xuất, chế biến chè Hướng Tâm với 9 hộ thành viên. Hiện HTX có gần 20 ha chè Shan tuyết và Bát Tiên được sản xuất theo quy trình hữu cơ, an toàn.
Anh Trương Văn Hướng, Giám đốc HTX sản xuất, chế biến chè Hướng Tâm cho biết: “Ngày trước nhiều hộ sản xuất chè nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng không đồng đều, giá cả bấp bênh. Tôi thành lập hợp tác xã để ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu, làm bao bì cho sản phẩm để sản phẩm đến với nhiều khách hàng hơn”.
Ông Lý Hoài Sơn, Bí thư Chi bộ thôn Piềng Láo, xã Mường Hum, huyện Bát Xát cho biết thêm: “Khi có HTX thì giá chè cao hơn, người dân bây giờ tự giác chăm sóc và thu hái chè. Chúng tôi cũng vận động Nhân dân làm chè sạch, có thương hiệu để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Theo tính toán của HTX sản xuất, chế biến chè Hướng Tâm, trước đây nếu bán búp tươi, các gia đình sẽ thu về bình quân 70 triệu đồng/ha đối với chè Shan tuyết và 100 triệu đồng đối với chè Bát Tiên; nay chuyển sang chế biến, lợi nhuận tăng từ 20 đến 30%… Việc chế biến theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm đã giúp cho sản phẩm chè của HTX từng bước gia tăng giá trị và mở rộng được thị trường, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng chè ở Mường Hum.
Thế Văn
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết