Yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả sản xuất

10:30 15-10-2019 | :620

Laocaitv.vn - Trong xu thế đấy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế, đã có rất nhiều loại cây trồng, vật nuôi mới, được nông dân Lào Cai đưa vào triển khai thực hiện. Cũng chính bởi vậy mà việc đào tạo, tập huấn giúp bà con nâng cao trình độ đã và đang được các địa phương đặc biệt quan tâm.

Lớp tập huấn trồng trọt do Chương trình “Ngôi nhà hạnh phúc” tổ chức cho đại diện nông dân 04 thôn của 02 huyện Bắc Hà và Mường Khương. Tuy thời gian tập huấn chỉ 02 ngày, song với phương pháp học tập tích cực, dành phần lớn thời gian để tham quan, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi tại những mô hình cụ thể. Anh Trang Văn Thắng, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương chia sẻ: "Tham gia lớp tập huấn, chúng tôi đã cùng nhau thảo luận về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, cũng như kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi ở từng địa phương. Qua đó chúng tôi tự bổ sung kiến thức cho nhau, rất thiết thực và hiệu quả. Ở thôn chúng tôi cũng đã triển khai trồng cỏ, chăn nuôi trâu nhốt rất tốt".

Qua các lớp tập huấn bà con sẽ biết cách áp dụng KHKT vào sản xuất hiệu quả và bền vững.

Xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, địa bàn thường xuyên có mưa mù và nhiệt độ thấp hơn các xã trong huyện. Đặc biệt vào mùa đông, hoạt động chăn nuôi gia súc của người dân trên địa bàn gặp khá nhiều khó khăn. Khắc phục điều này, thời gian qua, cấp ủy và chính quyền nơi đây đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, giúp nhân dân nâng cao nhận thức, áp dụng các biện pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn. Vậy nhưng trên thực tế sau khi các lớp đào tạo, tập huấn nghề nông nghiệp được mở ra, thì hầu hết bà con mới vỡ lẽ, vì từ trước đến nay chỉ làm theo thói quen, theo kinh nghiệm, nên hiệu quả không cao và không bền vững. Do đó mà tại Đại hội khóa XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu có 65% tỷ lệ người lao động trên địa bàn qua đào tạo nghề, trong đó có cả những nông dân.

Mỗi mô hình phát triển kinh tế đều triển khai tuỳ theo điều kiện thổ nhưỡng cũng như tập quán, thói quen canh tác và quy hoạch của địa phương. Song có một đặc điểm chung là sự thành công của những mô hình này đều có tác động của khoa học kỹ thuật và vai trò cầu thị, chịu khó học hỏi của người nông dân. Bởi vậy, đào tạo nghề cho nông dân cần được các cấp, các ngành và các địa phương coi là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt để phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân./.

                                                                     Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết