Bao giờ ứng dụng chống dịch Covid-19 mới thành văn phòng “một cửa”?

09:57 16-09-2021 | :1121

Laocaitv.vn - Theo Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, ứng dụng mới này sẽ kế thừa tất cả những giá trị mà các ứng dụng trước đó đã có trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thời gian qua, các đơn vị công nghệ liên tục cho ra đời nhiều ứng dụng (app) chống dịch. Tính sơ trong kho ứng dụng của Google và Apple hiện nay có khoảng 10 ứng dụng... Làm sao để các dữ liệu này được liên thông thật và có tính chính xác là băn khoăn của nhiều người dân và doanh nghiệp, nhất là khi chúng ta sắp bước vào ngưỡng cửa “bình thường mới”.

Cần sớm có văn phòng “một cửa” cho app chống dịch

Theo nhiều chuyên gia, dù hiện nay có nhiều app, mỗi app kết nối đến cơ sở dữ liệu riêng, song, Chính phủ quyết định chỉ còn một app nên việc cần làm hiện nay là kết nối dữ liệu nếu có, kết nối giữa các bộ ngành với nhau, và việc này cần được làm khẩn trương.

Nhận thấy điều này, Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phát triển một ứng dụng chống dịch duy nhất thay vì hàng loạt các ứng dụng đang có hiện nay.

Chia sẻ về tiến độ triển khai yêu cầu này của Chính phủ, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Bkav - Kiến trúc sư trưởng Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia - cho biết, cách đây 3 tháng Bộ TT&TT đã thành lập Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia. Một trong những mục tiêu là nhằm kết nối thống nhất các phần mềm với nhau dựa trên một thiết kế mới.

“Nền tảng công nghệ chống dịch giống như một “tòa nhà” cần có bản vẽ thiết kế xác định công năng từng phần rồi mới thi công bài bản… để có sản phẩm cuối cùng tối ưu. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra bất ngờ, Chính phủ đã triệu tập các công ty công nghệ Việt và tất cả tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, do thời gian gấp, nên trong dịch bệnh, mỗi đơn vị tham gia làm một phần theo sở trường của mình. Vì thế, khi lắp ghép lại, chưa thể tạo thành một “tòa nhà” to đẹp, bền vững được”, ông Quảng bày tỏ.

“Về cơ bản, các phần mềm đã kết nối được với nhau trên một thiết kế bài bản. Song, các ứng dụng trước đây đã được phát triển trong hơn một năm, dẫn đến cần thời gian để tạo ra nền tảng chung theo thiết kế. Đây cũng là chủ trương chung của Chính phủ nhưng cần thời gian để trở thành hiện thực. Chúng ta hy vọng sẽ có một phần mềm tham gia phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, đồng thời người dân có thể sử dụng thuận lợi hơn trong thời gian sớm nhất”, ông Quảng cho hay.

“Ứng dụng mới này sẽ kế thừa tất cả những giá trị mà các ứng dụng trước đó đã có. Hiện nay các bộ, ngành, và trung tâm đang ngồi với nhau, rất khẩn trương, để thống nhất. “Nguyên vật liệu đã có”, giờ chỉ cần thống nhất và triển khai, bởi dịch không chờ chúng ta. Chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có được giải pháp như Thủ tướng yêu cầu”, ông Quảng cho biết thêm.

Giai đoạn bình thường mới – sống chung với Covid-19

Còn theo ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty công nghệ DTT - Giám đốc điều hành Đề án Itrithuc, đối với quốc gia gần 100 triệu dân như Việt Nam, trong đó có không ít người dân không có smartphone, app chỉ là công cụ công nghệ thô sơ, việc khó hơn nhiều là trung tâm công nghệ phần mềm liên thông được với nhau và sử dụng mã QR làm trụ cột quan trọng.

Mỗi người sẽ được cấp một mã QR cá nhân để tham gia lưu thông, hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Ông Trung cho rằng, nếu làm như cách đây một năm, chúng ta có thể tìm 100% các F1, nhưng với chủng mới, truy vết hết F1 là không thể vì nó có thể lây không triệu chứng, tức là có khả năng lây nhiễm kể cả khi người mắc bệnh chưa thể hiện bất cứ triệu chứng gì. Vì thế, không thể khống chế dịch theo cách cũ.

“Đó là lý do chúng ta phải chuyển sang giai đoạn mới là sống chung với Covid-19. Chúng ta phải có tâm thế và cách làm phù hợp. Bài toán giải quyết 100-0 cách đây một năm không còn đúng với hiện tại. Có những app không còn phù hợp. Mã QR là vấn đề bắt buộc phải dùng, không chỉ trong chống dịch mà để bất kỳ ai cũng có thể tham gia”, ông Trung bày tỏ quan điểm.

“Hãy dồn công sức để giải bài toán khó 20%, mang lại hiệu quả cho 80%, còn lại cũng phải chấp nhận những rủi ro nhất định. Để giải bài toán 80-20 khó hơn rất nhiều so với bài toán 100-0. Ví dụ Israel, Singapore có đầy đủ công nghệ hiện đại nhất nhưng vẫn đang tìm cách giải quyết, không phải bài toán 100-0 nữa mà là 80-20”, ông Trung nêu ý kiến.

“Dịch Covid-19 đã trở thành dịch nội sinh trong xã hội loài người. Quan trọng hiện nay là sử dụng công nghệ xử lý dữ liệu, tìm ra bài toàn khó 20% để dồn lực vào giải quyết điểm cần thiết, còn 80% còn lại có thể sinh hoạt, hoạt động sản xuất trong bình thường mới”, ông Trung nhấn mạnh./.


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết