Những chuyến tàu chở nụ cười hòa bình Hàn-Triều

13:55 27-02-2019 | :432

Laocaitv.vn - Chuyến tàu đến ga Đồng Đăng của ông Kim không chỉ để tạo nên sự đồng thuận với Mỹ mà còn đem tới hy vọng về một nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Thế giới dường như đang đổ dồn sự chú ý về Hà Nội, nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Hòa bình là từ được nhắc tới nhiều nhất trên các trang thông tin. Hòa bình của mọi người, của nhiều quốc gia, của mọi thế hệ, chứ không phải hòa bình của riêng ai đó và quốc gia nào.

Ga Đồng Đăng - điểm dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Kim Jong Un khi tới Việt Nam.

Từ ga Đồng Đăng với cuộc gặp Mỹ-Triều …

Không được chứng kiến tận nơi hình ảnh nhà lãnh đạoTriều Tiên Kim Jong-un bước xuống con tàu đi đến Việt Nam để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump với mong muốn có thể tạo nên kỳ tích của lịch sử về một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân và kinh tế phát triển, nhưng tôi đã thực sự cảm động khi nhìn hình ảnh đó qua màn hình.

Một tờ báo của Nhật Bản cho biết rằng, chuyến tàu đó đã xuất phát từ Triều Tiên, và mất 65 giờ 40 phút để tới ga Đồng Đăng của Việt Nam. Truyền thông quốc tế cũng cho biết chuyến tàu đã không dừng nghỉ ở Trung Quốc mà chạy một mạch. Trong khi đó truyền thông Mỹ thông tin, chuyên cơ đặc biệt của Tổng thống Mỹ cũng xuất phát cùng ngày để đến Hà Nội.

Sự đối lập thú vị, mang đầy ý nghĩa. Nó không chỉ đơn giản là sự đi và đến bằng phương tiện nhanh hay chậm. Dĩ nhiên cả con tàu ấy và chiếc phi cơ đang có sứ mệnh cực kỳ quan trọng là đưa hai nhà lãnh đạo hai quốc gia đang có nhiều bất đồng đến Việt Nam để giải quyết bất đồng, tạo sự đồng thuận hướng tới hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, đóng góp cho sự ổn định và phát triển của thế giới. Và hơn thế nữa, tránh những xung đột mới trong tương lai.

Người ta mong muốn con tàu ấy hay phi cơ ấy mang những gì? Nó có thực sự gắn kết được những ý tưởng trái ngược nhau giữa con người với con người, giữa lập trường với lập trường, giữa quốc gia nọ với quốc gia kia hay không? Nhưng rõ ràng nó đem đến một cảm nhận cho sự thay đổi tích cực.

Ga Đồng Đăng của Việt Nam thuộc tỉnh Lạng Sơn-tỉnh biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Và chuyến tàu bọc thép của ông Kim Jong-un đã xuyên biên giới. Rõ ràng sự cởi mở từ một người kỹ tính và ít nói đã mở toang, lùa một luồng không khí dễ chịu, khiến không khí xung quanh thoải mái hơn.

Lần đầu tiên ga Đồng Đăng, Việt Nam được nhắc nhiều đến vậy. Bước xuống tàu, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cảm ơn Việt Nam. Ông Trump cũng cảm ơn sự đón tiếp Việt Nam và bày tỏ yêu mến Việt Nam sau đó ít giờ. Đồng Đăng có lẽ sẽ ghi dấu thời khắc lịch sử sau ít giờ nữa nếu như Mỹ và Triều Tiên thỏa thuận được vấn đề hạt nhân.

Ga Đồng Đăng cách đây 40 năm cũng là nơi ghi tạc dấu ấn lịch sử Việt Nam bởi của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc. Nếu như 40 năm trước là sự đau thương và mất mát, còn giờ đây nó trở thành nơi khởi đầu cho một nền hòa bình trong tương lai.

…đến Ga Dorasan và nụ cười Hàn-Triều

Từ ga Đồng Đăng tôi lại liên tưởng tới Ga Dorasan-nơi ghi dấu chuyến tàu cuối cùng của Nam-Bắc Triều hơn nửa thế kỷ về trước. Nó cũng là nơi dừng chân đầu tiên khi đến Bàn Môn Điếm.

cuocgapmytrieutoinucuoihantrieu4_vov_scjf

Ga Dorosan tại Bàn Môn Điếm

Làng Panmunjeon (Bàn Môn Điếm) là chứng tích lịch sử chiến tranh, bởi nằm ngay trận tuyến của cuộc chiến Nam - Bắc Triều Tiên những năm 1950-1953.

Khu phi quân sự (DMZ) nằm trong làng Panmunjeon (Bàn Môn Điếm), phía Bắc cách thủ đô Seoul 50 km, ranh giới giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên.

Chạy xe từ Thủ đô Seoul đến DMZ, bên phía tay trái phía có Sông Hàn, khu vục ngăn cách giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có vẫn còn nguyên hàng rào thép gai. Thỉnh thoảng lại có một bốt tuần tra, có bốt có binh sĩ mang súng, nhưng có bốt không thấy có binh sĩ. Khách du lịch muốn đến Bàn Môn Điếm chỉ được đi xe ô tô riêng đến 2/3 đường, còn 1/3 đường còn lại sẽ phải di chuyển bằng xe bus du lịch vừa để đảm bảo an toàn, vừa để dễ kiểm soát an ninh.

Khu vực phi quân sự (DMZ) - nơi diễn ra nhiều cuộc giao tranh giữa quân Hàn Quốc và Triều Tiên trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên

Trước khi đến khu phi quân sự DMZ, Ga Dorasan sẽ gợi nhớ cho người dân Hàn Quốc và Triều Tiên về chuyến tàu cuối cùng chở những người con trên một dải đất, sự chia cắt tưởng như vĩnh viễn từ đây sau cuộc chiến Nam-Bắc trước đó.

Nhưng có một cuộc gặp lịch sử tại ga này. Đó là  vào ngày 20/2/2002, Tổng thống Mỹ George Bush và Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là ông Kim Dae Jung đã tới đây. Đứng nhìn bức ảnh của họ, tôi có cảm nhận rằng dường như lúc đó họ đã có suy nghĩ trong đầu cho một chuyến tàu hòa bình không phải chỉ xuất phát từ Dorasan về Seoul hay cũng như từ Ga Dorasan về Bình Nhưỡng, mà là chuyến tàu xuyên suốt như đã vốn có. Và ga Dorasn này lại trở về với sứ mệnh nhỏ nhoi của ga Xép chứ không phải mang danh nơi nguy hiểm nhất thế giới như đã từng mang.

Đúng 16 năm sau, ngày 26/12/2018, Hàn Quốc và Triều Tiên đã khởi công dự án đường sắt liên Triều với mục đích hiện đại hóa và kết nối các tuyến đường bộ và đường sắt xuyên biên giới. Đây cũng là kết quả tích cực của những cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều diễn ra liên tục trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 9/2018. Hẳn ai yêu chuộng hòa bình, không khỏi xúc động khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bước chân sang đất Hàn Quốc và nắm tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong lần gặp vào tháng 4/2018.

Ngày nay, trên bảng điện tử ở Ga Dorasan nêu rõ đây không còn là nhà ga cuối cùng của Hàn Quốc nữa mà là nhà ga đầu tiên tới Triều Tiên. Không chỉ vậy, người Hàn Quốc còn hi vọng việc mở lại tuyến đường sắt liên Triều sẽ giúp kết nối với hệ thống đường sắt của Trung Quốc và cả của Siberia (Nga)... Nhà Ga Dorasan vì thế được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm ở Đông Bắc Á và là cửa ngõ của khu vực Âu– Á trong tương lai gần.

Từ Ga Dorasan đi sâu vào DMZ khoảng 3 km, len lỏi qua những ngọn đồi hoang được rào kín bởi hàng rào dây thép gai và biển báo bãi mìn sát thương, Tôi có mặt tại khu vực là cửa của 1 trong 4 đường hầm được lần lượt phát hiện trong 4 thập kỷ qua mà phía Triều Tiên đã đào trong chiến tranh Hàn-Triều.

Phía Hàn Quốc tính toán rằng khoảng 30.000 lính mang theo vũ khí hạng nặng có thể hành quân xuyên qua đường hầm này chỉ trong 1 tiếng nhằm chứng tỏ khả năng đe dọa của đường hầm này đối với Seoul khi chiến tranh nổ ra.

Đi sâu xuống hầm, khoảng 30 phút đi bộ sẽ phải quay lên khi trước mặt có một phiến đá được dựng lên ghi hàng chữ bên kia là phía Triều Tiên.

Và tôi mường tượng ra những cuộc giao tranh giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trước đó chắc rất khốc liệt. Những bức ảnh treo trên tường kia và dấu ấn còn lại có lẽ chỉ phần nào khắc họa được sự khắc nghiệt của chiến tranh.

Lên khỏi hầm, bỏ mũ ra, bước ra ngoài, tôi thấy là một khoảng trời rộng lớn. Bên phía tay phải tôi quả cầu bằng sắt tuy bị vỡ làm đôi, nhưng hai bên đều có rất nhiều thế hệ người đang cố gắng đẩy hai nửa quả cầu lại.

Hình ảnh quả cầu bị chia đôi - biểu tượng Nam - Bắc Triều bị chia cắt được nhân dân 2 nước chung tay gắn liền.

Một đường hầm của quân đội Hàn Quốc được sử dụng trong một cuộc giao tranh với quân đội Triều Tiên.

Có lẽ rất nhiều người đã đứng giữa quả cầu để chụp ảnh. Còn tôi lại nói anh lái xe người Hàn Quốc rằng anh đứng bên phía quả cầu hướng về phía Triều Tiên, còn tôi nửa quả cầu bên phía Hàn Quốc và đẩy nó chập lại. Tuy chỉ là biểu tượng, nhưng chúng tôi có một bức ảnh khi cả hai đang cười rất tươi

Và có lẽ chuyến tàu xuyên biên giới của Kim Jong-un đến ga Đồng Đăng không chỉ để tạo nên sự đồng thuận với Mỹ vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên mà còn là sự trông đợi của cả Ga Dorasan với một chuyến tàu khác nhưng chung một mục đích vì nụ cười Hàn-Triều./.

Bùi Hùng/VOV-Tokyo

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết