Tinh hoa các loại nhạc cụ dân tộc trên mảnh đất Yên Châu - Sơn La

08:54 29-03-2022 | :1644

Laocaitv.vn - Huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La không chỉ được biết đến là mảnh đất của "chuối ngọt xoài thơm", mà còn là cái nôi văn hóa lâu đời của cộng đồng 5 dân tộc anh em: Kinh, Thái, Mông, Xinh Mun, Khơ Mú cùng đoàn kết sinh sống. Mỗi dân tộc đã dần hình thành nên những giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo, trong đó phải kể đến các loại nhạc cụ dân tộc, được bà con Nhân dân trân trọng, gìn giữ, và được xem là linh hồn trong mọi hoạt động văn hóa tinh thần.

 Các loại nhạc cụ truyền thống luôn được bà con các dân tộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La trân trọng, gìn giữ qua nhiều thế hệ, trở thành giá trị văn hóa tiêu biểu. 

Từ bao đời nay, những bộ trống, chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành thanh âm quen thuộc, rộn ràng, khơi gợi tinh thần đoàn kết cộng đồng của dân tộc Thái ở Yên Châu, Sơn La. Để làm được một bộ trống chiêng phải mất từ 6 - 10 ngày, trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự kiên trì, tỷ mỉ, cộng thêm trình độ thẩm âm tốt của người thợ mới có thể cho ra sản phẩm có chất lượng âm thanh chuẩn, kiểu dáng đẹp và độ bền cao. Ông Lò Văn Phòng, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Làm chiêng thì khó nhất là công đoạn gò mép, chỉnh tiếng, âm thanh, nếu không chuẩn thì tiếng nó không kêu, phải làm thế nào cho nó cân đối thì tiếng nó mới vọng. Riêng làm chiêng với chập chòe mất 3 ngày, làm trống nếu có sẵn nguyên liệu thì 1 ngày bưng được 1 quả trống".

Hiện nay, 100% bản của đồng bào Thái ở đây đều có ít nhất một bộ trống, chiêng, có bản có 3 - 4 bộ và được lưu giữ tại nhà văn hoá để phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Bà Lò Thị Viển, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La tâm sự: "Từ xưa đến giờ mỗi khi nghe thấy tiếng trống chiêng là lòng thấy rạo rực, rộn ràng và muốn nhảy xòe, điệu xòe đi theo năm tháng và đến tận bây giờ chúng tôi vẫn yêu thích và đam mê".

Những bộ trống, chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành thanh âm quen thuộc, rộn ràng, khơi gợi tinh thần đoàn kết cộng đồng của dân tộc Thái ở Yên Châu, Sơn La. 

Một loại nhạc cụ mang tính biểu tượng của văn hóa dân tộc Thái trên vùng đất "Mường Vạt" cổ là chiếc khèn bè. Những làn điệu mượt mà, say đắm của khèn bè như phản ánh đời sống tinh thần, lao động sản xuất của đồng bào nơi đây. "Khèn bè của người Thái Yên Châu có 4 giai điệu chính: giai đoạn thứ nhất rất nhẹ nhàng; giai đoạn thứ 2 thổi đệm cho người đàn ông hát và vừa đi bộ vừa thổi khèn, tạo hứng phấn cho con người; thứ 3 là giai điệu "xiêng thôn" - giai điệu diu dàng, nhẹ nhàng, giai điệu này thường thổi khi trời khuya thanh vắng, hoặc là thổi đệm cho người con gái hát", ông Lường Văn Chựa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết.

Cùng với trống chiêng và khèn bè, cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất Yên Châu còn rất nhiều loại nhạc cụ độc đáo. Có thể kể đến như Pí Pặp, Pí Thiu, một loại sáo được làm từ nứa với giai điệu réo rắt, trầm bổng; hay Tăng Bẳng, nhạc cụ đơn giản là những cây tre được gõ xuống tấm ván gỗ, tạo nên âm thanh lộc cộc vui tai, thường được dùng trong múa xòe cộng đồng.  Các loại nhạc cụ truyền thống luôn được bà con các dân tộc trân trọng, gìn giữ qua nhiều thế hệ, trở thành giá trị văn hóa tiêu biểu của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

                 Hoàng Giang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết