Biến rác thải thành phân bón – giải pháp để bảo vệ môi trường bền vững

21:58 23-09-2018 | :5990

Laocaitv.vn - Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra. Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một trong những ví dụ. Sau hơn 2 năm triển khai, đề án đã cho kết quả khả quan. Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn tốt sẽ làm cho hoạt động Nhà máy xử lý rác đạt hiệu quả hơn. Biến rác thải sinh hoạt, chất thải động vật, những phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp thành phân bón hữu cơ. Đây được coi là giải pháp tối ưu, vừa làm sạch môi trường sinh thái và tạo ra nguồn phân hữu cơ rất tốt để bón cho cây trồng, không những vậy còn tiết kiệm được nhiều chi phí cho sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2015 khi Nhà máy xử lý rác thải bắt đầu sản xuất phân bón hữu cơ hay còn gọi là compost, Công ty TNHH thương mại Hoàng Lan đã đăng ký mua sử dụng thử nghiệm, đến nay đã được hơn 2 năm, kết quả cho thấy cây trồng lớn nhanh sai quả. Ông Chu Quang Long, Phó Giám đốc công ty TNHH thương mại Hoàng Lan cho biết: Ngoài cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, phân bón hữu cơ còn cung cấp thêm chất mùn, nguồn hữu cơ vừa có tác dụng cải tạo làm cho đất tơi xốp, thông thoáng, tăng số lượng và khả năng hoạt động của các vi sinh vật hữu ích trong đất, tăng độ phì cho đất và bảo vệ đất, giữ ẩm, giữ nước tốt, chống xói mòn, chống rửa trôi đất, chống chai cứng đất…. Hiện nay Công ty TNHH thương mại Hoàng Lan đang trồng 420ha cây ăn quả gồm cam V2, bưởi da xanh, chuối tiêu xanh, chuối tây. Mỗi  năm công ty xuất gần 650 tấn quả các loại đi các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc.

Công ty TNHH thương mại Hoàng Lan là khách hàng thường xuyên của Nhà máy xử lý rác thải thành phố Lào Cai

Với mục tiêu là xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt của thành phố Lào Cai và các huyện lân cận. Tháng 10/2015 tỉnh Lào Cai đã đưa Nhà máy xử lý rác vào sử dụng với diện tích 30ha, công nghệ hiện đại, công suất tối đa của nhà máy là 147 tấn/ngày, được xây dựng tại thôn Tòng Mòn, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai. Với chức năng chế biến rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ, phân khoáng và thu hồi các thành phần có thể tái chế được nhằm giảm tối đa lượng rác chôn lấp trực tiếp, đảm bảo vệ sinh môi trường. Sau khi tiếp nhận rác từ các nơi về nhà máy sẽ được xử lý theo đúng quy trình công nghệ, đảm bảo vệ sinh môi trường rồi đưa lên băng chuyền phân rác thành 2 loại vô cơ và hữu cơ. Để ra được sản phẩm cuối cùng là phân hữu cơ phải qua công đoạn ủ lên men là 21 ngày và thời gian ủ chín là 18 ngày, khi kết thúc công đoạn ủ chín sẽ chuyển sang nhà tinh chế và được chia thành 02 loại compost loại A và loại B. Qua đánh giá cho thấy chất lượng mùn cao, tỷ lệ lẫn tạp chất thấp; compost đáp ứng được các chỉ số hoá lý đã được thí nghiệm tại Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Để nâng cao hiệu quả sản xuất của nhà máy, Công tyTNHH MTV môi trường đô thị tỉnh Lào Cai đã nghiên cứu, cải tiến trang thiết bị để nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy như chế tạo lắp đặt máy nghiền, sàng quay chuyển từ mùn thô sang mùn tinh, tái chế nhựa, thay đổi vị trí máy cắt từ nhà phân loại sang nhà tinh chế, nhằm nâng cao năng suất sản xuất mùn A, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của người dân.Hiện tại nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ 10 đến 12 tấn/ngày, khối lượng bán ra bình quân 6 – 8 tấn/ngày. Hiện nhà máy đang cung cấp phân hưu cơ cho 20 khách hàng. Như vậy lượng phân hữu cơ còn tồn trong kho là 4 – 5 tấn/ngày, nguyên nhân là do người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chưa biết nhiều đến sản phẩm phân bón hữu cơ của nhà máy.

Nhà tinh chế phân hữu cơ 

Để được thành phẩm là phân hữu cơ thì khâu quan trọng nhất trongcả dây chuyền là phân loại rác thành 2 loại vô cơ và hữu cơ. Tháng 12/2015, Đề án phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát và huyện Sa Pa được UBND tỉnh phê duyệt. Mục tiêu của Đề án là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từng bước hình thành thói quen trong việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở các tổ chức, cơ quan, trường học, hộ gia đình, cá nhân, các khu công cộng và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa và huyện Bát Xát. Việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của Nhà máy xử lý rác thải, làm nguyên liệu sản xuất compost. Đề án có tổng kinh phí triển khai thực hiện hơn 19,6 tỷ đồng. Qua quá trình triển khai thực tế đề án cho thấy các ngành, địa phương đã quyết liệt vào cuộc; tập trung triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tham mưu ban hành các kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện đề án tại các địa phương. Công tác tuyên truyền được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả bằng nhiều hình thức sinh động nên tạo sự hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan, đoàn thể, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, Ban chỉ đạo đề án đã được kiện toàn từ cấp huyện xuống cơ sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên… do đó đã kịp thời nắm bắt tình hình tại cơ sở, cũng như chấn chỉnh việc thực hiện phân loại rác và thu gom rác. Về cơ bản tỷ lệ phân loại rác tại nguồn đều đạt, khoảng 80%. Đặc biệt là thành phố Lào Cai trung bình 75% trở lên. Mỗi năm, Công ty cổ phần môi trường đô thị Lào Cai đã thực hiện thu gom, vận chuyển 48.826 tấn rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Lào Cai, thị trấn Sa Pa và thị trấn Bát Xát. Trong đó, tổng lượng rác hữu cơ đưa là 27.348 tấn, trung bình đạt 75 tấn/ngày và mỗi ca thu được 8 – 10 tấn compost loại A phục vụ sản xuất nông nghiệp; rác vô cơ trung bình là 59 tấn/ngày. Tổng doanh thu từ phân hữu cơ của Nhà máy năm 2017 trên 1,1 tỷ đồng. Nhà máy hiện có 34 công nhân, thực hiện các khâu phân loại rác, vận hành máy, lái máy xúc lật...., lương bình quân 6.500.000đ/người. Như vậy với công suất xử lý rác tối đa là 147 tấn/ngày tính đến thời điểm hiện tại nhà máy mới chỉ hoạt động với một nửa công suất, số lượng nhân công đáng ra phải làm 8 – 10 tiếng/ngày thì nay chỉ làm 4 tiếng/ngày. Bên cạnh đó việc phân loại rác tại nguồn chưa triệt để, tỷ lệ rác vô cơ còn lẫn nhiều trong rác thải hữu cơ nên lượng rác vô cơ loại bỏ đem chôn lấp sau quá trình sơ chế và tinh chế còn lớn. Việc duy trì thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Lào Cai trong thời gian gần đây có chiều hướng giảm xuống.

Tổng lượng rác hữu cơ đưa vào là 27.348 tấn, trung bình đạt 75 tấn/ngày và mỗi ca thu được 8 – 10 tấn compost loại A

Vẫn biết phân loại rác thải tại nguồn là một vấn đề khó vì vậy rất cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao được ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đồng thời cần có những chế tài xử phạt đối với những vi phạm khi các tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại theo quy định. Bên cạnh đó là việc nâng cao chất lượng hoạt động của Nhà máy xử lý rác thải thành phố Lào Cai. Trong thời gian tới nhà máy sẽ tiếp tục quy hoạch để có thể mở rộng công suất và nâng cao năng lực kỹ thuật đảm bảo tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đạt trên 85%, tỷ lệ phải chôn lấp không vượt quá 15%. Bởi vậy, việc hạn chế nguồn rác thải chôn lấp để sản xuất phân bón không chỉ là bài toán kinh tế lợi ích, mà quan trọng hơn cả chính là việc bảo vệ môi trường sống cho tất cả mọi người, cải thiện đời sống, sức khỏe cho cộng đồng, xây dựng Lào Cai xanh – sạch – đẹp – văn minh.

Thanh Huyền


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết