Quan tâm thực hiện chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số

18:40 24-02-2023 | :368

Laocaitv.vn - Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã có những chính sách nhằm hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số, khu vực khó khăn, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các chính sách được triển khai đã góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần. 

Tan giờ học trên lớp, em Thào A Quang trở về khu bán trú Trường PTDTBT Tiểu học số 2 xã Lùng Thẩn (huyện Si Ma Cai) cùng các bạn chuẩn bị cho bữa cơm chiều ngay tại trường. Được sinh hoạt bán trú tại trường, Quang có thêm điều kiện để học tập, vui chơi, phát triển toàn diện. "Nhà cháu ở xa trường nên cháu ở bán trú. Mỗi ngày, cháu được ăn 3 bữa, thức ăn rất ngon. Ngoài việc học ra cháu và các bạn còn được tham gia các trò chơi và hoạt động ngoài giờ".

Được ở bán trú sẽ giúp nhiều học sinh nhà xa có điều kiện học tập tốt hơn và tham gia các hoạt động của trường.

Hiện, 26/27 trường học trên địa bàn huyện Si Ma Cai có học sinh bán trú, với trên 3.400 học sinh ăn ở, sinh hoạt ngay tại trường. Những năm học vừa qua, ngành Giáo dục đã thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách dành cho học sinh dân tộc thiểu số như hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ gạo... để các em có thêm điều kiện học tập. "Được hỗ trợ 15kg gạo và 596.000 đồng/tháng, đối với học sinh khuyết tật thì được 0,8 mức lương cơ bản là 1.292.000 đồng và được hỗ trợ thêm 120.000 đồng để mua đồ dùng học tập; 275/275 em được hỗ trợ chi phí học tập là 150.000 đồng/tháng... Khi được hỗ trợ các chính sách này, các em rất thoải mái đi học, từ đó nâng cao tỷ lệ chuyên cần", thầy giáo Nguyễn Trọng Hưng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 2 xã Lùng Thẩn cho biết thêm.

Tại xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, địa phương đã cán đích xây dựng nông thôn mới. Theo Quyết định 861, một số chính sách hỗ trợ cho học sinh sẽ bị cắt giảm. Song việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 09/2022 của HĐND tỉnh về tiếp tục hỗ trợ học sinh các xã hoàn thành nông thôn mới, các trường học trên địa bàn xã cũng đã chủ động tháo gỡ khó khăn, đảm bảo các hoạt động giáo dục.

Ông Lê Duy Đông, Hiệu trưởng Trường THCS xã Cán Cấu cho biết: "Để đảm bảo cho học sinh được ăn ở tại trường, chúng tôi đã họp phụ huynh thống nhất mỗi học sinh đóng 10kg gạo/tháng, 7kg củi/tuần và 1kg rau/tuần".

Riêng năm 2022, toàn tỉnh đã chi hơn 4.000 tỷ đồng cho sự nghiệp giáo dục, chiếm 32% tổng chi cân đối ngân sách. Qua đó đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng về giáo dục của tỉnh, đặc biệt là ở vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thào Sếnh - Thành Lâm


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết