Truyền thông cải tạo hủ tục ở đồng bào dân tộc thiểu số

14:16 30-06-2024 | :27

Laocaitv.vn - Nhiều tập tục rườm rà, tốn kém trong việc cưới, việc tang và đời sống sinh hoạt của bà con dân tộc thiểu số đang dần được loại bỏ và thay đổi phù hợp với đời sống văn hóa mới. Đây là chuyển biến rõ nét trong công tác truyền thông cải tạo tập tục lạc hậu được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện thời gian qua, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Phóng sự về công tác truyền thông phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thực hiện tại huyện vùng cao Bắc Hà.

Đây là một sản phẩm truyền thông của các em học sinh trường THCS và THPT huyện Bắc Hà (ảnh trên). Ước mơ về gia đình hạnh phúc, an toàn và bình đẳng, không có bạo lực được các em thể hiện qua những đoạn diễn, hội thoại chân thực mà sâu sắc, chạm đến cảm xúc của người xem. Em Tráng Seo Sì, học sinh Trường THCS và THPT huyện Bắc Hà chia sẻ: "Vai diễn của em là vai diễn ông bố trong gia đình. Em muốn gửi thông điệp là chỉ cần những người đàn ông thay đổi, biết quan tâm, phụ giúp gia đình thì gia đình sẽ hạnh phúc".

Pa nô, áp phích, khẩu hiệu hay những video clip như thế này được sử dụng ngày càng nhiều trong các hội nghị tuyên truyền, được bà con vùng dân tộc thiểu số đón nhận. Qua các câu chuyện người thực, việc thực, bà con nhận thức rõ tác hại, hệ lụy của các hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Anh Giàng Thiên Hải, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà cho biết: "Để tuyên truyền cho đồng bào hiểu hơn, chúng tôi có những chương trình đi tuyên truyền ở cơ sở, tuyên truyền lưu động, tiết mục kịch, để bà con và các em học sinh hiểu rõ hơn về vấn đề này".

Đa dạng hóa các hình thức truyền thông và áp dụng các chế tài theo quy định đã mang lại hiệu quả tích cực. 

Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Hà cơ bản không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; trẻ em nữ dưới 18 tuổi sinh con, hàng năm giảm bình quân 15% - 20% số cặp tảo hôn. Mục tiêu này là thách thức với địa phương khi mà tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện vẫn còn diễn biến tương đối phức tạp. Mới đây, một chiến dịch truyền thông đã được phát động với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị được kỳ vọng làm chuyển biến nhận thức của người dân. Bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết: "Trình độ nhận thức, hiểu biết của bà con còn có hạn và cần một quá trình. Chúng tôi đẩy mạnh truyền thông, để nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống tảo hôn, thực hiện theo các quy định của pháp luật".

Trên địa bàn toàn tỉnh, việc đa dạng hóa các hình thức truyền thông, kết hợp với vận dụng hơn 1.500 hương ước, quy ước, áp dụng các chế tài theo quy định đã mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua đó, góp phần giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh tại các địa phương vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thu Hường – Minh Dũng

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết