Vướng mắc trong việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

09:26 18-04-2024 | :188

Laocaitv.vn - Qua rà soát của ngành nông nghiệp, tỷ lệ các cơ sở chăn nuôi nằm xen ghép trong các khu dân cư ở các địa phương trên địa bàn tỉnh còn chiếm tỉ lệ cao, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân... Tuy nhiên, việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư hiện vẫn đang là "bài toán khó" với chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn.

 

Phát triển chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn, khu vực hơn nửa ha này được ông Trần Văn Phong đầu tư, xây dựng chuồng trại kiên cố với hệ thống nước tắm, nước uống, máng ăn tự động... Tuy nhiên, do nằm trong khu dân cư nên trang trại của gia đình ông thuộc diện phải di chuyển. Chấp hành chủ trương chung, nhưng ông Phong không khỏi băn khoăn trong việc tái sản xuất.

Khu vực hơn nửa ha này được ông Trần Văn Phong đầu tư, xây dựng chuồng trại kiên cố với hệ thống nước tắm, nước uống, máng ăn tự động.

Ông Trần Văn Phong, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng nói: “Tôi cảm thấy rất tiếc chứ, bao nhiêu tiền đổ vào đây rồi, nếu phải di chuyển, yêu cầu xã với huyện có chính sách hỗ trợ, để bố trí quỹ đất chăn nuôi, chúng tôi lập trang trại lại tái đàn”.

Gia Phú là một trong những địa phương trọng điểm về chăn nuôi của huyện Bảo Thắng. Cùng với quy định địa điểm không được phép chăn nuôi, khó khăn lớn nhất với xã hiện nay là không còn nhiều quỹ đất để bố trí khu vực chăn nuôi mới đối với các hộ thuộc diện phải di dời. Bên cạnh đó, một số hộ dân vẫn còn trây ỳ, không muốn thay đổi địa điểm sản xuất vì sẽ phải đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi mới với kinh phí không nhỏ.

Gia Phú là một trong những địa phương trọng điểm về chăn nuôi của huyện Bảo Thắng.

Ông Lê Khánh Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng cho biết: “Căn cứ luật phải cách xa khu dân cư; thứ hai, là phải xa đường quốc lộ 150 m, đối với các hộ chăn nuôi, trang trại hầu như không đáp ứng được theo luật. Về kinh tế, hiện nay, người ta đầu tư các trang trại quy mô, có những trang trại hàng ha, đầu tư quy mô rất nhiều tiền. Để thực hiện di dời thì chính quyền cũng tuyên truyền, vận động để tới đây thực hiện”.

Theo Nghị quyết số 29/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, khu vực thuộc nội thành, nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Có 367 khu vực người chăn nuôi được tỉnh hỗ trợ kinh phí khi di chuyển cơ sở chăn nuôi, việc hỗ trợ người dân di dời với chuồng trại kiên cố không quá 350 triệu đồng, chuồng tạm không quá 120 triệu đồng. Dù vậy, đến nay vẫn chưa có cơ sở chăn nuôi nào đăng ký di dời.

Theo Nghị quyết số 29/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định thì khu vực thuộc nội thành, nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi.

Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết thêm: “Các địa phương cũng tích cực tuyên truyền. Thời điểm này cũng chưa có cơ sở nào đăng ký thực hiện di dời. Trong Nghị quyết 24 và 29 đều có quy định chính sách hỗ trợ, nếu người dân không thực hiện mà vẫn tiếp tục chăn nuôi trong khu vực cấm thì có hình thức xử phạt vi phạm hành chính”.

Theo Luật Chăn nuôi, đến ngày 1/1/2025 nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Để đảm bảo việc di dời hiệu quả, bên cạnh việc hỗ trợ người dân, tỉnh cũng khuyến khích các địa phương bố trí quỹ đất quy hoạch, phát triển khu chăn nuôi tập trung, có cơ chế chính sách thu hút đầu tư hạ tầng... nhằm phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Thế Long - Thành Thuận

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết