Bản sắc văn hóa: Nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội

09:23 24-11-2019 | :1150

Laocaitv.vn - Lào Cai hội tụ nhiều bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú và hấp dẫn, với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Cùng với sự quan tâm của Đảng bộ chính quyền, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, Lào Cai đã và đang nỗ lực đưa các giá trị văn hóa trở thành nguồn lực phát triển kinh tế một cách bền vững. Đặc biệt, với những nét đặc trưng riêng có của từng dân tộc đã được phát huy, mang lại hiệu quả thiết thực trong mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Nghề truyền thống đã trở thành sinh kế cho bà con xóa đói giảm nghèo. 

Lễ cấp sắc của người Dao đỏ, hội xòe của người Giáy, chợ tình của người Mông, những nét văn hóa gắn với tín ngưỡng, nghi lễ, đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được đưa vào từng lễ hội, giới thiệu đến với du khách gần xa, mang lại những ấn tượng khó quên. Trong đời sống thường ngày của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Lào Cai, những nghề truyền thống đã được khôi phục, trở thành sinh kế cho bà con xóa đói giảm nghèo. Ở thôn Hàng Lao Chải, xã Lao Chải, một nhóm sở thích trồng lanh và dệt thổ cẩm đã được thành lập gồm 10 chị em tham gia, cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sản xuất; trồng lanh, dệt, thêu các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Thổ cẩm dệt ra giờ không chỉ dành may trang phục chơi Tết, mà trở thành hàng hóa, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Lào Cai hiện đứng tốp đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa với 26 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Trong mỗi bản làng, mỗi nếp nhà ở vùng cao Lào Cai, bản sắc văn hóa, những nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc vẫn được các thế hệ nỗ lực gìn giữ và khôi phục. Những chương trình đã được triển khai hiệu quả như chương trình “Biến di sản thành tài sản”, “Mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có loại đặc sản trở thành hàng hóa” được triển khai, giúp cho văn hóa giờ đây không chỉ là linh hồn của các dân tộc trong một cộng đồng, mà đã được "đánh thức" trở thành tài sản của mỗi địa phương. Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực viên VNDG Việt Nam cho biết: "Muốn bảo tồn văn hóa, thì phải đảm bảo được cuộc sống của người dân. Vì khi cuộc sống của bà con được đảm bảo, họ sẽ chủ động hơn trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa của dân tộc mình".

Bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Lào Cai vẫn được các thế hệ nỗ lực gìn giữ và khôi phục. 

Những năm qua, việc bảo tồn di sản văn hóa được gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Những kết quả đạt được sẽ là điểm tựa để ngành văn hóa tiếp tục phấn đấu xây dựng Lào Cai trở thành một trong những điểm nhấn đặc sắc trên bản đồ du lịch văn hóa của Việt Nam./.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết