Bảo tồn nghề làm cày của người Mông

17:41 04-04-2021 | :130

Laocaitv.vn - Cày là dụng cụ gắn bó mật thiết trong lao động sản xuất của người Mông nói riêng và đồng bào các dân tộc nói chung. Mặc dù máy móc hiện đại đang dần thay thế những chiếc cày, tuy nhiên, nghề làm cày vẫn đang được các nghệ nhân ở huyện vùng cao biên giới Si Ma Cai bảo tồn và phát triển.

Để có được chiếc cày ưng ý, người thợ cần tạo khuôn mẫu tốt.

Đang vào chính vụ, dù bận rộn công việc đồng áng, nhưng ông Giàng Seo Tếnh ở tổ dân phố Gia Khâu, thị trấn Si Ma Cai vẫn miệt mài với công việc làm cày của mình. Gần 30 năm gắn bó, ông Tếnh coi nghề làm cày như một việc làm không thể thiếu trong cuộc sống. Không khuôn, không thước…từ công đoạn chặt cây, tạo hình, tạo viền cho chiếc cày đều được ông ước lượng bằng mắt nhìn và kinh nghiệm trong nghề. "Một chiếc cày nhìn thì đơn giản nhưng nếu không có kinh nghiệm thì làm cũng không dùng được. Khi bắt đầu làm là tôi phải hình dung được trong đầu là làm như thế nào để khi sử dụng cày để sản xuất sẽ không bị quá sâu hoặc quá nông", ông Giàng Seo Tếnh, tổ dân phố Gia Khâu, thị trấn Si Ma Cai cho biết.

Trung bình một chiếc cày sẽ mất khoảng 2 ngày để hoàn thiện. Cày gồm 3 bộ phận chính đó là phần thân, thanh kéo và thanh ngang. Sau khi hoàn thiện, các bộ phận của chiếc cày sẽ được lắp vào nhau và tiến hành bào, tạo bóng để dễ dàng sử dụng, đẹp mắt hơn. Một chiếc cày có giá bán từ 1.200.000 đồng - 1.500.000 đồng, tùy vào loại gỗ. Việc truyền nghề làm cày cho thế hệ trẻ vẫn đang được những người có nhiều kinh nghiệm như ông Tếnh đặc biệt quan tâm.

Chiếc cày giúp người Mông tăng hiệu suất lao động.

Đối với huyện vùng cao như Si Ma Cai, có tới 80% đất nông nghiệp là đất đồi dốc, chính vì vậy chiếc cày vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của người nông dân để có những vụ mùa trĩu hạt, ổn định cuộc sống. "Nương đồi ở địa phương thường dốc và có nhiều đá nên dùng cày vẫn tốt hơn. Còn nếu sử dụng máy thì không leo lên được và chỉ dùng để cày chỗ bằng và ruộng thôi, đối với chất đất cứng thì dùng cày mới cày được sâu, đất mới tơi xốp", anh Ly Seo Long, thôn Đội 1, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai chia sẻ.

Một chiếc cày nhìn đơn giản nhưng không dễ làm, và sự nỗ lực của những người nghệ nhân như ông Giàng Seo Tếnh đang góp phần quan trọng bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống của đồng bào mình, tạo thêm thu nhập cho gia đình.

Thào Sếnh – Việt Hòa


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết