Kiếm pháp trong đời sống tâm linh của người Dao đỏ

14:14 10-03-2021 | :1708

Laocaitv.vn - Kho tàng văn hoá của người Dao vô cùng phong phú, chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Trong đó một vật dụng luôn xuất hiện tại các nghi lễ của cộng đồng Dao đỏ đó là cây kiếm (kiếm pháp).

Cây kiếm là vật dụng không thể thiếu trong các nghi lễ tâm linh của người Dao.

Người Dao quan niệm, thế giới luôn tồn tại cõi dương và cõi âm. Cõi âm là thần linh, thành hoàng làng, gia tiên và những tà ma khác. Thần linh luôn bảo vệ và phù hộ cho con người còn tà ma luôn xuất hiện làm hại dân chúng. Vậy nên nhờ vào khả năng của những thầy cúng để giải trừ khi bị tà ma quấy nhiễu. Vật dụng trừ giải chính là kiếm pháp. Kiếm sẽ được thầy cúng dùng phép thuật yểm vào để trấn giữ cũng như xua đuổi tà ma ra khỏi nhà và làng bản. Anh Triệu Phúc Vạn, thôn Bỗng II, xã Cam Cọn, huyện Bảo yên cho biết: “Trước đây người Dao bị đàn áp phải vượt biển chạy trốn, lấy kiếm làm bơi chèo. Gặp bão to gió lớn, dùng kiếm để trấn yểm Long Vương khiến trời yên bển lặng, cuối cùng được bình an cập bến. Cho tới nay kiếm pháp không thể thiếu trong các nghi lễ tâm linh”.

Để làm ra được cây kiếm đòi hỏi sự công phu từ khâu chuẩn bị vật liệu và công cụ rèn đúc, nhất là phải mô phỏng những cây kiểm cổ ngày xưa để lại. Kiếm tạo ra phải thể hiện được ý chí, tâm hồn của người Dao. Anh Triệu Phúc Tình, thôn Bỗng 2, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên chia sẻ: “Có ai tới nhờ tôi cúng tôi đều bấm xem ngày giờ làm để sau này sử dụng được linh nghiệm. Tất cả những bí quyết này đều do bố tôi là người thầy cúng nổi tiếng trong vùng truyền lại cho tôi, chứ tôi không tự ý làm được”.

Cây kiếm làm ra phải thể hiện được ý chí, tâm hồn của người Dao.

Đây là việc làm có ý nghĩa truyền dạy văn hóa, góp phần giúp cho các thế hệ người Dao tiếp cận về những giá trị lịch sử, khoa học, văn hóa của dân tộc và ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống đặc sắc. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên cho biết: “Cấp ủy, chính quyền địa phương đã đầu tư rất nhiều trang thiết bị, chẳng hạn như cơ sở vật chất văn hóa cho các thôn, bản để từ đó đồng bào có điều kiện sinh hoạt cộng đồng. Chúng tôi cũng đã mời những người cao tuổi, những nghệ nhân có kinh nghiệm gìn giữ các bản sắc đó đến truyền thụ cho các thế hệ trẻ”.

Trong lịch sử phát triển của dân tộc, người Dao đã sáng tạo cho mình những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc riêng, góp phần làm cho bức tranh văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam trở nên đặc biệt phong phú và đa dạng./.

Ngọc Minh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết