Nghệ nhân Tẩn Vần Siệu tâm huyết trọn đời với chữ cổ Nôm Dao

15:44 02-01-2018 | :2095

Laocaitv.vn - Là 1 trong 9 nghệ nhân của tỉnh Lào Cai được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, ông Tẩn Vần Siệu, thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa được bà con dân bản trìu mến gọi bằng cái tên thầy Siệu. Thầy Siệu, bởi trong nhà ông luôn có học trò là những thanh niên và cả học sinh tới nhờ ông truyền dạy chữ Nôm Dao.

Phải mất tới quá nửa tiếng đồng hồ đi bộ vượt qua 3km đường mòn, dốc núi cheo leo, chúng tôi mới có mặt tại nhà nghệ nhân ưu tú Tẩn Vần Siệu. Từ xa nhìn lại, trước mắt chúng tôi là căn nhà gỗ to rộng theo lối kiến trúc cổ truyền của người Dao. Mùa đông, sương mù bao phủ nên không khí khá tĩnh lặng, im ắng. Nhưng bước vào bên trong, căn nhà thật ấm cúng với bếp lửa hồng, người già, trẻ em quây quần và bên cạnh là lớp học chữ Nôm Dao. Sự có mặt của chúng tôi cũng không khiến lớp học bị ngắt quãng. Nghệ nhân Tẩn Vần Siệu cùng các học trò của mình vẫn miệt mài bên những con chữ cổ. Chờ tới khi hết giờ học buổi sáng, chúng tôi mới tranh thủ tiếp cận, trao đổi với thầy và trò của lớp học. Anh Lý Phù Seng, một trong những học trò chăm chỉ, tích cực của lớp học chia sẻ:“Dân bản chúng tôi tự hào về thầy Siệu lắm. Thầy được phong tặng nghệ nhân ưu tú là sự ghi nhận cả một quá trình nghiên cứu, học hỏi không ngừng nghỉ của thầy. Thầy hiểu biết rộng, rất giỏi chữ cổ Nôm Dao. Chúng tôi thế hệ trẻ được thầy chỉ bảo, hướng dẫn tận tình để hiểu biết những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Tôi luôn tự hứa sẽ học hỏi được nhiều kiến thức từ thầy Siệu áp dụng vào cuộc sống, để hướng dẫn cho con cái làm theo”.

Nghệ nhân ưu tú Tẩn Vần Siệu truyền dạy học trò chữ cổ Nôm Dao.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình hiếu học, nghệ nhân Tẩn Vần Siệu theo cha học chữ Nôm Dao từ nhỏ, đến năm 17 tuổi đã thấm nhuần tư tưởng đạo đức, giáo lý, tinh thông các sách và thuộc lòng các bài cúng, bài hát dân ca truyền thống dân tộc Dao. Nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ chữ viết cổ, nên từ năm 1992, ông bắt đầu dạy lại cho con cháu và các học trò khác. Ban đầu là dạy cho các con trong nhà rồi sau đó dạy cho bà con trong bản. Đến nay, đã có trên 500 người, chủ yếu là thanh niên, học sinh tìm đến nghệ nhân Tẩn Vần Siệu để học, để biết và thực hành các nét đẹp văn hóa truyền thống của tộc người mình.

Thấy tôi ngạc nhiên về con số trên 500 học trò theo học chữ cổ Nôm Dao và các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nghệ nhân ưu tú Tẩn Vần Siệu mở cho tôi xem lý lịch trích ngang của từng học trò và cả “giáo án” giảng dạy từng ngày cụ thể. Ông vui mừng bộc bạch: “Theo phong tục truyền thống của người Dao, lớp học chữ Nôm Dao được mở hàng năm từ ngày 30 Tết đến hết ngày Rằm tháng giêng. Khi đó, các gia đình trong thôn có con em trong độ tuổi đi học sẽ được bố mẹ dẫn tới nhà thầy để “tầm sư học đạo”, mở mang kiến thức, với mong muốn sau này con cái sẽ giỏi giang và làm được nhiều việc tốt như thầy. Tôi truyền dạy chữ cho học trò với tinh thần giúp đỡ các trò, không lấy tiền công của các em, các cháu. Tôi làm với tất cả tâm huyết của một người con dân tộc Dao. Các trò đến nhà tôi ăn ở cùng gia đình, khi đến các em mang theo gạo, giấy bút, sách vở để nghe tôi giảng dạy chữ viết, các bài giáo lý, đạo đức lối sống. Để đọc thông, viết thạo, các học trò phải theo học 3 năm liên tục. Trong năm đầu và năm thứ hai, tôi chỉ dạy chữ và cách đọc thuộc lòng, dạy các em viết và hiểu được ý nghĩa của các từ, đồng thời các em tiếp thu, nhận thức rõ về đạo lý làm người. Trải qua hai năm học, các trò đã đọc thông, viết thạo. Đến năm thứ 3, các trò được tôi dạy học các bài cúng, bài hát dân tộc và cách thức tổ chức các nghi lễ dân tộc như lễ cấp sắc, lễ cúng ngày tết, ngày rằm”.

Nghệ nhân ưu tú Tẩn Vần Siệu hướng dẫn học trò cách viết chữ cổ Nôm Dao.

Song song với việc truyền dạy chữ viết cổ Nôm Dao, nghệ nhân Tẩn Vần Siệu dành nhiều thời gian đi điền dã, nghiên cứu cuộc sống, sinh hoạt của bà con dân bản mình để có thêm thông tin, kiến thức vào việc phục dựng, chép lại các cuốn sách cổ mà ông cha để lại với mục đích lưu giữ cho con cháu sau này. Theo chân ông tới một vài thôn bản trong vùng mới thấy sự tỷ mỷ của ông trong việc nghiên cứu thực tiễn để viết ra những cuốn sách có giá trị khoa học lớn. Nổi bật như cuốn Thông Sâu. Thông sâu là cuốn sách chứa đựng kho tàng tri thức dân gian của người Dao. Cuốn sách đã tái bản nhiều lần và hiện nay nghệ nhân Tẩn Vần Siệu tiếp tục dịch sang tiếng phổ thông phục vụ cho các cán bộ nghiên cứu, giúp nghiên cứu và giới thiệu các tri thức của người Dao tới toàn thể nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Các học trò miệt mài học tập, tiếp thu giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Dao.

Cũng từ nghiên cứu, am tường chữ cổ Nôm Dao, nghệ nhân Tẩn Vần Siệu còn nắm bắt được các tri thức về cây thuốc, các vị thuốc Nam người Dao đỏ, nên đã vận dụng những kiến thức này vào cuộc sống hàng ngày. Từ năm 1982 đến nay, ông đã cùng vợ lấy thuốc giúp cho bà con trong thôn, trong xã, trong huyện phòng chống bệnh tật. Ngoài việc chữa được các bệnh thông thường, ông còn có thể chữa được bệnh liệt, bệnh sỏi thận, các bệnh phụ nữ, bệnh dạ dày... Trong câu chuyện của ông với chúng tôi vì thế có lúc bị ngắt quãng, tạm dừng bởi bà con dân bản và cả những những vị khách phương xa tới nhờ ông bắt mạch, bốc thuốc. Ông chia sẻ: "Tôi sắp tới tuổi lục tuần, tức là chưa quá già nhưng cũng không còn trẻ, khỏe nữa nên càng đau đáu nỗi lo phải bảo tồn, gìn giữ, phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy, tôi luôn tâm niệm sẽ mang những kiến thức mà mình đã học được truyền lại cho thế hệ con cháu để chúng có ý thức, trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao".

Quang Sản - Minh Nhẫn – Trần Tuấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết