Nghi lễ Then mừng cơm mới của người Giáy Sa Pa

20:50 02-10-2021 | :1229

Laocaitv.vn - Then mừng cơm mới là một trong những nghi lễ cầu mùa hằng năm của người Giáy hay còn gọi là “Tết cơm mới”. Đây là nghi lễ quan trọng được tổ chức vào trung tuần tháng 8 âm lịch, khi mùa thu hoạch lúa mới bắt đầu.

Gia đình bà Nông Thị Lý ở thôn Tả Van Giáy 2, xã Tả Van, thị xã Sa Pa chọn được ngày lành tổ chức nghi lễ Then mừng cơm mới. Trong nghi lễ Then bắt buộc phải có cốm – Lễ vật thể hiện đã đến lúc thu hoạch lúa. Bởi vậy, những người phụ nữ trong gia đình sẽ ra đồng chọn cắt từng bông lúa tốt nhất để về làm cốm dâng lên thần linh và tổ tiên. “Ngày lành tháng tốt gia đình tôi cũng có cốm, xôi, có cả gà vịt, cả bạc với hương để thắp bàn thờ thầy, cầu mong thầy giúp đỡ làng bản làm ăn sang năm được mùa, tất cả mạnh khỏe”, bà Nông Thị Lý cho biết.

Bà con tuốt thóc làm cốm.

Mục đích của nghi lễ Then là nhằm dâng những hạt cốm đầu mùa cho thần linh, cho tổ tiên và rước hồn lúa về nhà, về kho, chờ cho một mùa vụ mới bội thu tiếp theo. Đây cũng là dịp thể hiện những ước vọng của con người có sức khỏe, mùa màng bội thu, vật nuôi phát triển.

Hiện nay, nghi lễ Then đang được ngành Văn hóa Lào Cai khảo sát, tiến tới lập hồ sơ bảo tồn di sản văn hóa và phục vụ phát triển du lịch ở địa phương. “Bảo tồn nghi lễ Then đang nằm trong Đề án số 3 của tỉnh Lào Cai về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch giai đoạn 2021 – 2025. Định hướng trong việc bảo tồn này là phải làm sao để chúng tôi bảo tồn và giúp cho đồng bào tạo ra được sản phẩm để phát triển du lịch cộng đồng”, ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết thêm.

Lễ buộc chỉ đỏ cầu may mắn.

Người dân múa Then mừng cơm mới.

Hiện, Lào Cai có 37 di sản văn hóa cấp Quốc gia, trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc ở Lào Cai nói riêng, các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nói chung đang được đặc biệt coi trọng nhằm "Biến di sản thành tài sản", để những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào sẽ trở thành sản phẩm phát triển kinh tế du lịch ở các địa phương.

Bài, ảnh: Đức Trung


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết