Những truyền nhân "giữ hồn" dân tộc

07:44 15-06-2020 | :1675

Laocaitv.vn - Bản sắc văn hóa là những giá trị tinh thần hết sức có ý nghĩa đối với từng dân tộc, và các nghệ nhân là những người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy bản sắc văn hóa đó tới thế hệ tiếp theo. Với vai trò là người “giữ lửa”, tại vùng cao Lào Cai đã và đang có không ít nghệ nhân, dành cả cuộc đời cho việc sưu tầm, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân gian của dân tộc mình. Và động lực để mở lối cho họ đến với đam mê ấy, là tình yêu tha thiết với từng con chữ, từng câu hò, từng tiếng đàn, từng nhạc cụ của cộng đồng mình.  

Niềm đam mê với những làn điệu dân ca Thu Lao của ông Sín (phải) vẫn đầy nhiệt huyết.

Đội 2, thôn trung tâm của xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai, dưới những nếp nhà vách đất, mái lợp ngói âm dương cổ, là cuộc sống bình yên, hòa hợp của đồng bào dân tộc Thu Lao và dân tộc Nùng từ nhiều đời nay. Nơi bản bình yên ấy, vẫn đêm, ngày vang lên tiếng đàn văng vẳng của người nghệ nhân mù Vàng Tờ Sín. Ông Vàng Tờ Sín là người Nùng, nhưng lại đặc biệt đam mê nét văn hóa của dân tộc Thu Lao. Đôi mắt không thể nhìn được ánh sáng mặt trời, nhưng bù lại ông lại có trí nhớ tuyệt vời, có thể ghi lại từng tiếng đàn, điệu hát. Để rồi, đến năm 30 tuổi, chàng thanh niên Vàng Tờ Sín đã có thể chơi đàn Ản Tắng loại 3 dây, 4 dây và kéo nhị thành thạo. Nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông lão Vàng Tờ Sín vẫn chơi đàn, vẫn cùng các nghệ nhân khác đau đáu với bản sắc dân tộc, với những làn điệu dân ca Thu Lao. Ông Sín chia sẻ: “Ở thôn tôi, dân tộc nào cũng như nhau thôi, tôi yêu dân ca Thu Lao nên tôi mới học, đàn hát vào ngày tết, năm mới, gặp nhau vui là đàn. Đến bây giờ tôi vẫn rất thích những bài hát ấy”.

Còn với nghệ nhân Vàng Sín Phìn, mỗi lần được hát lên khúc hát của dân tộc mình là trong ông lại cảm thấy rất đỗi tự hào. Ông Phìn tự nhận mình không phải là người hát hay, nhưng ông lại rất yêu những giai điệu dân ca của đồng bào mình. Nghệ nhân Vàng Sín Phìn cũng là một trong số ít những người tại Si Ma Cai am hiểu sâu sắc về các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống, như các loại đàn 1 dây, 3 dây, 4 dây, hay cây tiêu, cây sáo. Ông vẫn lặn lội đi mỗi phiên chợ, để tự tay tìm được chiếc đàn hay nhất, tốt nhất, âm thanh trong trẻo nhất, để tạo nên một bản hòa ca dung dị của người Thu Lao giữa bản làng bình yên. Ông Phìn cho biết: “Cái âm nhạc của Thu Lao rất đặc biệt, bố tôi đã nói dân tộc mình phải có cái đàn này thì mới thành dân tộc, thế nên tôi phải cố gắng giữ lại, cái nào hỏng tôi cũng vẫn giữ. Những người làm được cái đàn này thì đã chết cả rồi, sau này tôi sẽ phải học để mình tự làm cho bằng được”.

Ông Phìn truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Ở Nàn Sán bây giờ, không còn nhiều người Thu Lao biết đàn, biết hát, vậy nhưng, những người yêu thích với âm nhạc truyền thống lại không ngừng tăng lên. Những ngày cuối tuần, gian nhà nhỏ của ông Vàng Sín Phìn lại đông vui hơn, rộn ràng hơn, vì có những thanh niên, những em học sinh nhân ngày nghỉ đến để được nghe ông Phìn, ông Sín dạy đàn, dạy hát. Và những người nghệ nhân tâm huyết ấy, lại dốc "vốn liếng" bao năm của mình, truyền cho thế hệ trẻ, để mạch chảy văn hóa của người Thu Lao vẫn mãi được giữ gìn. Em Cáo Thị Phấn, thôn đội 2, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai chia sẻ: “Trước kia em không thích đàn hát, những khi được các ông dạy hát, dạy thổi sáo, em lại thấy rất thích và mong muốn được học những thứ này”.

Trong số những người đam mê với văn hóa dân gian, có người được phong tặng danh hiệu như Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân gian, nhưng cũng có người chỉ đến với văn hóa bằng tình yêu chân thành và nhiệt huyết. Dù có danh hiệu hay không, những nghệ nhân vẫn sẽ vẹn nguyên đam mê, miệt mài với công tác bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi với họ, "giữ hồn" dân tộc, đó không chỉ là vì tình yêu, tâm huyết mà còn là trách nhiệm với cộng đồng dân tộc mình, với xã hội và những thế hệ đi sau./.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết