Phụ nữ dân tộc Tày gìn giữ nghề đan nón lá

08:34 14-07-2021 | :543

Laocaitv.vn - Nghề làm nón lá cọ, một vật phẩm gần gũi với người phụ nữ dân tộc Tày tưởng chừng như đã bị mai một thì nay đã và đang được nhiều hội viên phụ nữ xã Bản Liền, huyện Bắc Hà quan tâm bảo tồn và phát triển.

 

Bà Nháng (phải ảnh) thoăn thoắt, khéo léo làm các công đoạn đan nón lá.

Năm nay đã 78 tuổi nhưng những công đoạn như bẻ lá cọ, chuốt nan làm nón của bà Lâm Thị Nháng, thôn Đội 2, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà vẫn thoăn thoắt, khéo léo. Với mong muốn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày, năm 2019, bà Nháng đã tham gia vào lớp truyền dạy nghề làm nón cho những hội viên phụ nữ trẻ tuổi tại địa phương. Bà Nháng chia sẻ: "Hội Phụ nữ xã mở lớp rồi mời tôi về dạy nghề đan nón. Giờ thì đã có nhiều cháu biết làm nón truyền thống để phục vụ cuộc sống, rồi làm để bán cũng có thêm thu nhập, phấn khởi lắm".

Từ một nghề tưởng như sẽ mai một, đến nay đã có trên 30 hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Bản Liền thành thạo nghề đan nón. Giá bán từ 50.000 - 100.000 đồng/chiếc tùy loại. Do được làm thủ công và có độ bền cao nên nón làm ra tới đâu được tiêu thụ hết tới đó. Chị Vàng Thị Vân, thôn Pắc Kẹ, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà cho biết: "Khi tham gia lớp học này tôi rất muốn học hỏi các cụ. Tôi học làm nghề này để phát triển kinh tế tăng thu nhập cho gia đình, phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay làm nón không đủ để bán".

Lá cọ là nguyên liệu để làm ra những chiếc nón lá.

Chị Vàng Thị Ngân, Chủ tịch Hội LHPN xã Bản Liền, huyện Bắc Hà chia sẻ: "Trước kia chị em phụ nữ giữ được nghề này rất ít, sợ mai một không còn nghề này nữa nên chúng tôi mở lớp học này. Mong muốn cho chị em hội viên học được nghề để tăng thu nhập cho bản thân và tạo sự tự tin cho phụ nữ. Tôi vận động bà con, hội viên giữ nghề truyền thống để thu hút khách du lịch đến với Bản Liền và tăng thêm thu nhập cho bà con".

Những năm gần đây du lịch cộng đồng ở xã Bản Liền được đánh thức tiềm năng và đang trên đà phát triển. Chính vì vậy, nón lá cọ không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân địa phương mà đã dần trở thành sản phẩm làm quà lưu niệm mang giá trị bản sắc văn hóa đối với du khách. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để sản phẩm nón lá của người Tày ở Bản Liền có cơ hội được quảng bá rộng rãi hơn, đồng thời tiếp thêm động lực để những hội viên phụ nữ nơi đây kiên trì gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của dân tộc.

Huyền Trang – Việt Hòa


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết