Truyền nhân chữ Nôm Dao

16:03 27-06-2023 | :317

Laocaitv.vn - Với tâm huyết giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, ông Đặng Văn Quang, người Dao tuyển ở thôn Cốc Né, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng đã tự nguyện mở lớp dạy chữ Nôm Dao cho các em nhỏ và người dân trong vùng.

 

Lớp học này vừa được mở từ đầu hè.

Vào các buổi tối và ngày cuối tuần, căn nhà của ông Đặng Văn Quang lại rộn ràng bởi trên hai chục học trò đến học chữ Nôm Dao. Để mở được lớp, ông Quang mất tới vài năm đi vận động, thuyết phục bà con cho con em mình theo học. Mới theo học chưa lâu, nhưng những cậu bé 13 - 14 tuổi cho tới những thanh niên đã 30 đều rất say mê và cảm thụ tốt về sách cổ người Dao. Em Đặng Tiến Đạt, thôn Làng Trung, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng chia sẻ: “Trong sách chữ Dao có những bài thơ thú vị, có những câu ca dao, những câu chuyện rất hay. Dù chữ rất khó nhưng cháu vẫn cố gắng để viết”.

"Chúng em cũng có thể học sâu sát hơn để sau này có thể truyền lại truyền thống văn hóa ở đây. Ví dụ như là tục lệ cúng bái và nét văn hóa về bảo tồn, giữ gìn tiếng nói riêng, đặc thù riêng của người Dao tuyển", anh Đinh Văn Luân, thôn Cốc Né, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng nói.

Sách cổ được người Dao coi là báu vật, bởi trong đó chứa đựng những tinh của hoa dân tộc.

Sách cổ được người Dao coi là báu vật, bởi trong đó chứa đựng những tinh hoa dân tộc, răn dạy con người về đạo lý, lối sống và các tri thức dân gian trong cuốc sống của họ. Việc học chữ Nôm Dao cũng thể hiện ý chí phấn đấu của mỗi người học và trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Ông Đặng Văn Quang, thôn Cốc Né, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng tâm sự: “Sách Nho này cũng nói đến vạn vật rất nhiều. Thế cho nên những người không được học thì sẽ nói rất cộc lốc và hai nữa không hiểu vạn vật và không hiểu về tiết trời để làm ăn. Nhà nông phải biết thời nào, làm như thế thì học chữ Nôm Dao này rất hay”.

Ông Đặng Văn Quang - người thầy truyền dạy chữ Nôm Dao cho các em nhỏ và người dân trong vùng.

"Địa phương cũng rất là đồng tình quan điểm giữ gìn bản sắc. Ngoài việc dạy chữ thì thành lập các tổ, đội văn nghệ. Thôn Cốc Né hiện nay cũng đã có tổ văn nghệ, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao”, ông Lê Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng cho biết.

Dù mới mở lớp được một thời gian ngắn nhưng ông Đặng Văn Quang rất phấn khởi vì mong muốn bấy lâu của mình đã thành sự thật. Giữ gìn văn hóa là giữ tiếng nói dân tộc và chữ viết - với người Dao tuyển Bảo Thắng cũng không ngoại lệ./.

Đức Trung


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết