Laocaitv.vn - Nhiều ý kiến cho rằng cần có lộ trình áp dụng và phải nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh việc lạm dụng quy định, gây khó khăn phiền hà người dân.
Laocaitv.vn - Nhiều ý kiến cho rằng cần có lộ trình áp dụng và phải nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh việc lạm dụng quy định, gây khó khăn phiền hà người dân.
Ngay sau khi Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đề xuất việc mỗi chủ xe khi mua xe, đăng ký xe phải cung cấp số tài khoản ngân hàng và có số tiền nhất định để áp dụng việc xử phạt vi phạm giao thông đã có nhiều ý kiến xung quanh thông tin này. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có lộ trình áp dụng và phải nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh việc lạm dụng quy định, gây khó khăn, phiền hà người dân.
Hiện các chủ xe vẫn đến trụ sở công an để nộp phạt
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), để nâng cao hiệu quả trong quản lý phương tiện giao thông đường bộ, đơn vị này đang nghiên cứu sửa đổi thông tư quy định về đăng ký xe theo hướng ràng buộc trách nhiệm của chủ sở hữu khi mua bán, cho, tặng xe.
Trong 4 điểm được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất sửa đổi thì có điểm yêu cầu chủ xe phải có tài khoản ngân hàng với số tiền nhất định để trừ khi vi phạm giao thông.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Tuấn, một tài xế cho rằng: Chủ tài khoản đi đăng ký là chủ xe, nhưng không phải chủ xe nào cũng trực tiếp sử dụng vì họ có thể cho thuê, cho mượn hoặc là kinh doanh: “Người lái xe là người vận hành chiếc xe, khả năng người lái xe sẽ vi phạm. Chủ phương tiện chắc chắn bị trừ tiền qua tài khoản. Tuy nhiên khi trừ lại lái xe như vậy có thật sự logic hay không. Giữa chủ phương tiện và tài xế có đồng thuận về vấn đề đó hay không”.
CSGT ghi hình để xử phạt nguội phương tiện vi phạm
Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, hiện có nhiều phương tiện đang được lưu hành nhưng không phải do chính chủ. Bởi vậy khi những người này vi phạm, họ không đóng phạt thì chưa có sự công bằng giữa các trường hợp.
Ông Lê Tấn Vinh, người dân TP HCM cho rằng: “Tôi cũng có phương tiện những mua lâu rồi. Tuy nhiên đề xuất của Cục Cảnh sát giao thông thì tôi thấy cũng hợp lý thôi. Hiện nếu áp dụng ngay thì chưa được đâu. Một vài năm nữa mình có chế tài và cơ chế riêng đối với người đăng ký phương tiện mới, lấy ý kiến người dân và khi người dân được làm quen thì hợp lý và không gây bức xúc mỗi khi tiền để trong tài khoản sẽ bị trừ bất cứ lúc nào mà mình không hay biết”.
Cũng với quan điểm này, Ông Bùi Thanh Vũ, Chuyên gia về giao thông tại TP HCM đề xuất: “Đề xuất ở thời điểm này cũng chưa hợp lý, chính vì vậy chúng ta phải làm lộ trình để các phương tiện chưa sang tên đổi chủ, cơ quan chức năng phải điều tra truy xét yêu cầu họ đứng tên chính chủ. Khi đó chúng ta quản lý rất dễ. Bên cạnh đó đối với những phương tiện đăng ký lâu rồi thì 2 đến 3 năm/lần phải cần khai báo lại phương tiện chúng ta đang sử dụng”.
Trao đổi về đề xuất của Cục CSGT, Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, vấn đề này chưa có tính khả thi bởi thực tế thói quen của người dân thường xuyên dùng tiền mặt nhiều hơn, do đó để triển khai hiệu quả thì phải tạo thói quen thường xuyên giao dịch qua tài khoản cho người dân, nhất là ở các địa phương nông thôn.
Song song với đó, việc bắt buộc chủ xe cung cấp tài khoản và số tiền trong tài khoản để bảo đảm cho việc có thể xảy ra trong tương lai là không có cơ sở, là chưa đúng với tinh thần pháp luật hiện hành. Đồng tình việc triển khai quy định là hợp lý, nhưng luật sư Phát cho rằng cần phải có lộ trình, bởi nếu người dân không có số tài khoản mà bị cấm không được đăng ký xe là trái với Hiến pháp. Và cho dù có tài khoản có tiền trong ngân hàng thì chúng ta rất khó để ràng buộc số tiền đó bị phong toả không được rút ra khỏi ngân hàng.
Luật sư Lê Trung Phát - Đoàn Luật sư TP HCM
Luật sư Phát phân tích: “Theo pháp luật quy định hiện tại tài khoản cá nhân chỉ bị phong toả khi có lệnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra, toà án. Nếu ở thời điểm người đăng ký xe có bỏ tiền vào thì cơ quan quản lý nhà nước trường hợp này là Cục CSGT cũng không có thẩm quyền để phong toả tài khoản này”
Như vậy, để triển khai hiệu quả quy định nêu trên, nhiều chuyên gia và luật sư cho rằng, lộ trình sắp tới cần tạo ra hành lang pháp lý, cụ thể chúng ta phải thay đổi ngay Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Mở rộng chế tài liên quan đến áp dụng việc tịch thu tang vật vi phạm để đảm bảo cho cơ chế thi hành các quy định vi phạm hành chính mà người vi phạm không thực hiện về sau./.
Vinh Quang/VOV-TP HCM
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết