Khó xử lý nhà văn hóa không sử dụng

11:56 04-01-2024 | :267

Laocaitv.vn - Sau sáp nhập thôn, bản, tại hầu hết các địa phương trong tỉnh xuất hiện tình trạng dôi dư nhà văn hóa, đang được đề nghị thanh lý. Tuy nhiên, do vướng mắc về giấy tờ quyền sở hữu sử dụng đất nên các nhà văn hóa này chưa thanh lý được. Để không nhiều năm càng khiến những nhà văn hóa này xuống cấp, lãng phí nguồn lực đầu tư. Ghi nhận của phóng viên thời sự. 

Nhà văn hóa bản Dằm, xã Tân Dương được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2016. Nhưng chỉ sau đó một năm nhà văn văn hóa này đã để không. Lý do là vì bản được đầu tư một nhà văn hóa mới. Tuy nhiên, từ thời điểm tạm dừng hoạt động đến nay, nhà văn hóa này vẫn chưa thể thanh lý được. Nguyên nhân vì công trình này nằm trên đất nông nghiệp. Trong khi điều kiện thanh lý thì phải là loại đất có bìa đỏ. Ông Hoàng Đình Kiểu, Chủ tịch UBND xã Tân Dương, huyện Bảo Yên cho biết: "Hiện nay các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đặc biệt khó khăn về cơ chế. Hiện tỉnh chưa có cơ chế nên xã chưa thực hiện được. Rất mong tỉnh sớm có chủ trương để xã sớm thanh lý nhà văn hóa dôi dư". 

Sau khi sáp nhập thôn, bản tình trạng thừa nhà văn hóa diễn ra làm ảnh hưởng đến hoạt động văn hóa, xã hội tại địa phương. 

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 90 nhà văn hóa đề nghị thanh lý, trong đó có 62 nhà văn hóa chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hầu hết các nhà văn hóa này được xây dựng trên cơ sở "Nhà nước và nhân dân cùng làm" nên việc thanh lý phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đảm bảo quyền sử dụng đất. Ông Trịnh Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai cho biết: "Trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, vì một số nhà văn hóa trước đây là đất trường học, sau khi sáp nhập thì vẫn trong quản lý đất trường học. Một số nhà văn hóa người dân hiến đất nên vẫn đang vướng mắc chưa thể thực hiện được".  

Tại nhiều địa phương khác, nhà văn hóa dôi dư, khó thanh lý được người dân giữ lại để làm nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ hay thể thao của cụm dân cư. Đối với khu vực tập trung đông dân cư thì phương án này được cho là hợp lý, nhưng các nhà văn hóa thôn, bản ở xa khu dân cư, nơi mà đời sống người dân còn nhiều khó khăn, các hoạt động thể thao, văn hóa thi thoảng mới tổ chức thì việc giữ lại các nhà văn hóa này sẽ không hiệu quả. Ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lào Cai cho biết: "Với nhà văn hóa dôi dư mà vẫn còn có khả năng, hiệu quả phục vụ Nhân dân, phục vụ cộng đồng thì cũng cần sắp xếp nguồn kinh phí hỗ trợ sửa chữa, cải tạo để người dân sinh hoạt. Đối với nhà văn hóa xuống cấp, hỏng hóc quá, không còn khả năng sử dụng được nữa thì cũng cần có phương án xử lý hài hòa. Tạo điều kiện cho Nhân dân có không gian vui chơi, sinh hoạt chung của cộng đồng".

Các địa phương cần có phương án thanh lý hay giữ lại các nhà văn hóa dôi dư sau sáp nhập, tránh tình trạng để không, gây lãng phí. 

Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đóng vai trò quan trọng trong đời sống dân cư, nhất là tại vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là không gian để gìn giữ văn hóa độc đáo cộng đồng các dân tộc. Bởi vậy, sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố thì tình trạng nơi thừa nhà văn hóa, nơi lại thiếu nhà văn hóa “đạt chuẩn” để phục vụ Nhân dân, gây ra những bất cập và ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động văn hóa, xã hội tại các địa phương. Do vậy, tùy theo công năng và nhu cầu sử dụng của Nhân dân, các địa phương cần có phương án thanh lý hay giữ lại các nhà văn hóa thôn dôi dư sau sáp nhập, tránh tình trạng để không, gây lãng phí công trình. 

 Việt Hùng – Thành Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết