Những nhà giáo xung phong tình nguyện

10:03 20-11-2019 | :1170

Laocaitv.vn - “Ai cũng được học hành” là một trong những mong muốn tột bậc suốt đời của Bác Hồ, cũng là khát khao của nhân dân. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, “Đoàn quân” các nhà giáo xung phong tình nguyện lên miền núi công tác đã tập hợp và xuất quân vào mùa thu năm 1959, mở đầu cho những đoàn chiến sĩ đem "ánh sáng văn hóa", đem chữ viết lên vùng cao những năm tiếp theo. 

Chủ trương của Đảng và Bác Hồ được các nhà giáo từ Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ vào tới Thanh Hóa, Nghệ An hưởng ứng mau lẹ. Ngay đợt đầu, một đoàn quân hùng hậu gồm 860 nhà giáo đã hội tụ đông đủ tại Giáp Bát để tập huấn và sẵn sàng lên đường. Lào Cai là điểm đến của đoàn giáo viên Hà Nội và Nghệ An. 

Lớp tập huấn mở tại Trường Bổ túc Văn hóa Công nông Trung ương đóng tại Giáp Bát. Đúng 3 giờ 30 phút chiều ngày 23 tháng 9, các đoàn đang thảo luận thì Bác Hồ đến thăm. Bác nói về nhiệm vụ cách mạng hai miền Nam Bắc rồi chốt lại nhiệm vụ phát triển kinh tế văn hóa miền núi. Bác nhấn mạnh vị trí của sự nghiệp Giáo dục, về vai trò vẻ vang của người thầy giáo, nhất là thầy giáo miền núi. Bác chỉ rõ vùng cao còn nhiều khó khăn gian khổ, còn nhiều phong tục lạc hậu, nhiều người còn mù chữ. Đồng bào vùng cao đang mong đợi các thầy giáo lên dựng lớp mở trường. Bác ân cần căn dặn: “Các cô, các chú đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn!”. Lời căn dặn ân cần, giản dị, được các nhà giáo tình nguyện khắc ghi vào tâm khảm trong suốt cuộc đời công tác của mình và lan tỏa trong các thế hệ nhà giáo miền núi từ ngày ấy đến nay và mãi mãi về sau.

Hơn một tháng sau, một đoàn giáo viên xung phong tình nguyện thứ hai tiếp tục lên đường. Lần này, lên Lào Cai là 27 nhà giáo của hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh. Những năm từ 1960 đến 1964, liên tiếp có các đoàn giáo viên từ tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hải Phòng kết nghĩa xung phong tình nguyện lên Lào Cai mở lớp dựng trường. Các giáo sinh và sinh viên tốt nghiệp các trường Sư phạm Trung ương và liên tỉnh từ những năm ấy và sau này, nhận quyết định lên Lào Cai cũng mang tinh thần xung phong tình nguyện nói trên. Các nhà giáo các dân tộc với tinh thần xung phong tình nguyện dám vượt qua những khó khăn rất lớn về điều kiện mọi mặt để đi làm thầy giáo, cô giáo, là lực lượng đóng góp tích cực cùng các nhà giáo từ miền xuôi lên miền núi. Với lực lượng các nhà giáo xung phong tình nguyện nói trên, Giáo dục Lào Cai mở ra giai đoạn phát triển mới.

Những người thầy miền xuôi tình nguyện lên Tây Bắc để những bản làng không còn heo hút. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Trong hoàn cảnh còn nghèo, dù khó nhưng rồi lớp học tranh tre cũng được dựng lên với bàn ghế bằng mai vầu ghép tạm. Thiếu thốn từ trang vở, chiếc bút, cái bảng đen đến viên phấn cho thầy. Gọi học trò đến lớp, nhất là các em gái đã khó, duy trì đều hằng ngày càng khó hơn. Nhưng ý chí và nghị lực, lòng yêu người và yêu nghề, tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ đã giúp các thầy cô vượt lên trong thử thách. Có nhiều biện pháp sáng tạo mãi đến sau này các thầy cô còn nhớ và kể lại. Thiếu bảng con, lấy mo nang tre mai ép phẳng, cắt vuông vắn cho học trò dùng. Bảng lớp ghép bằng mảnh ván hiếm hoi, trộn nhọ nồi với bồ hóng và lá khoai để sơn bảng đen viết cho rõ chữ. Vận động dân xẻ gỗ đóng bàn hộp và ghế băng thay bàn ghế tre vầu. Mỗi dịp nghỉ tết, nghỉ hè về xuôi lại tìm tranh ảnh trên báo cắt ra đem lên mở “triển lãm” cho dân, cho học trò xem. Phiên chợ, đứng chặn ở đầu cầu bên suối để yêu cầu bà con đi chợ đọc, viết. Giữa chợ tranh thủ đứng lên mở sách, mở tranh ảnh tuyên truyền vận động đi học… Ban ngày dạy lớp phổ thông, ban đêm dạy lớp xóa mù chữ. Thầy giáo theo dân tới tận lều nương để dạy chữ. Làm nương cùng dân, làm cả việc nhà như lấy củi, giã gạo, xay ngô, thân thiết như người nhà…

Các nhà giáo xung phong tình nguyện đều trở thành những giáo viên nòng cốt, những cán bộ quản lí, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng Trường cấp I, cấp II, cấp III, Trường Đào tạo cán bộ của tỉnh, Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng Giáo dục các huyện và thị xã, Trưởng phòng Chuyên môn Ty Giáo dục. Nhiều người trở thành cán bộ chủ chốt của huyện, thị xã và của tỉnh. Thầy giáo Trần Đức Thảo quê Vĩnh Phúc, tình nguyện lên dạy học ở Mường Vi, Bát Xát, có nhiều thành tích, đặc biệt thầy cõng một học sinh tàn tật đi học một thời gian dài. Gương của thầy được biểu dương trên báo Lào Cai Đổi mới. Bác Hồ đọc báo, biết tin, Người đã gửi Huy hiệu của Người qua Ủy ban Hành chính tỉnh để trao trực tiếp cho thầy Thảo. Nhà giáo Nguyễn Thị Việt Kim xung phong tình nguyện lên Lào Cai năm 1964, sau này trở thành Nhà giáo Ưu tú đầu tiên của tỉnh ta.

Các nhà giáo xung phong tình nguyện là lực lượng nòng cốt, tạo nên những thành quả của giai đoạn phát triển mới của Giáo dục Lào Cai thời kì 1959 – 1964, góp phần quan trọng trong phong trào chống mù chữ, tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc địa phương các cấp, tạo nguồn đào tạo giáo viên các dân tộc để sau này cơ bản đủ nguồn giáo viên tại tỉnh nhà; xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Các cô, các chú đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn!”. Tinh thần ấy đã tạo nên những phẩm chất truyền thống là: Xung phong tình nguyện - Yêu người và yêu nghề, gắn bó với học sinh và đồng bào các dân tộc - Nghị lực vượt khó – Sáng tạo và ham học hỏi – Tham mưu tốt và dân vận tốt. Những phẩm chất ấy được phát huy mạnh mẽ, trở thành phẩm chất chung của nhà giáo Lào Cai, tạo nên những thành tựu to lớn của sự nghiệp Giáo dục Lào Cai trong lịch sử, hiện tại và mai sau.

Cao Văn Tư


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết