Thích ứng linh hoạt trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động

16:43 13-01-2022 | :342

Laocaitv.vn - Xu thế phát triển mới của nền kinh tế đòi hỏi trình độ của người lao động cũng phải được nâng cao, đáp ứng với nhu cầu thực tiễn. Do dó việc đào tạo, đào tạo lại các ngành nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội đang rất cần được quan tâm. 

Đa phần lao động của nhà máy là đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương.

Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu của huyện Mường Khương thời điểm này, dây chuyền chế biến dứa hoạt động liên tục với hàng chục tấn nguyên liệu mỗi ngày. Phần lớn trong số gần 200 lao động của nhà máy là đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương, đã được tham gia lớp đào tạo chế biến rau quả được tổ chức ngay tại tỉnh trong năm trước. Chị Ngải A Dính, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương chia sẻ: “Khi chưa có nhà máy tôi làm nhà nông thu nhập không ổn định. Tôi được đi học đào tạo 3 tháng, được làm công nhân nhà máy cuộc sống, thu nhập ổn định hơn. Một tháng thu nhập có thể lên đến 7 - 8 triệu đồng”.  

Năm 2021, xã Lùng Vai có thêm 1 nhà máy chế biến chè đi vào hoạt động, mang lại cơ hội việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Ông Vàng Khái Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Vai, huyện Mường Khương cho biết: “Chính quyền địa phương cũng tuyên truyền cho bà con các thôn về quy trình đào tạo nghề... Phối hợp với nhà máy đào tạo cho bà con những kiến thức cơ bản nhất”.

Quang cảnh hội nghị triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2022.

Năm 2021, Sở Lao động ‑ Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai phối hợp với các địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai đa dạng các hình thức đào tạo; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho công tác đào tạo nghề. Trong năm đã mở nhiều hội nghị đối thoại, tư vấn, định hướng học nghề; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo được trên 10.600 người, phần lớn là lao động ở khu vực nông thôn. Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động ‑ Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục nghề nghiệp xuống tận các nhà máy để cùng với các doanh nghiệp bàn vấn đề đào tạo, đào tạo lại. Làm sao để lực lượng lao động đáp ứng được nhân lực, tay nghề trong bối cảnh các doanh nghiệp, nhà máy thay đổi quy trình công nghệ”.

Những kết quả trên không chỉ khẳng định quyết tâm, nỗ lực của tỉnh trong công tác đào tạo nghề, mà còn thể hiện sự điều chỉnh phù hợp, thích ứng linh hoạt với nhu cầu và điều kiện thực tiễn. Tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động địa phương trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19./.

Thế Văn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết