Laocaitv.vn - Việc lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của đội ngũ cán bộ, trí thức, các tầng lớp Nhân dân vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Qua đó, nhằm điều chỉnh, bổ sung, làm sâu sắc thêm nội dung, để Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI thật sự mang tính khoa học, có tầm nhìn chiến lược và đề ra các giải pháp đồng bộ, khả thi, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn tới. Thời gian qua, Dự thảo tiếp tục nhận được đóng góp đông đảo của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Là giảng viên công tác tại Trường Chính trị tỉnh Lào Cai, tiếp cận với Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khá sớm, thạc sỹ Ngô Thị Nhung, Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật - Trường Chính trị tỉnh Lào Cai đã dành nhiều thời gian đọc, nghiên cứu kỹ, từ chủ đề của Đại hội đến bố cục, nội dung cũng như các chỉ tiêu cho nhiệm kỳ tới. Đánh giá cao tính khoa học của Văn kiện, điều mà thạc sỹ Ngô Thị Nhung quan tâm nhất trong dự thảo đó là việc xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2020 - 2025.
Thạc sỹ Ngô Thị Nhung chia sẻ: “Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đưa ra các lĩnh vực đột phá. Trong đó có xây dựng hạ tầng thông tin, hạ tầng số. Tôi đề nghị thêm một số mục tiêu cụ thể đó là tới 2025 đầu tư xây dựng kinh tế số, hạ tầng số để tạo bước đột phát trong phát triến kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Tỉnh ủy Lào Cai đã tổ chức nhiều hội nghị xin ý kiến đóng góp vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Tỉnh ủy Lào Cai đã sớm thành lập Tiểu ban Văn kiện Đại hội. Tiểu Ban thường xuyên họp, xin ý kiến của các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh, ý kiến đóng góp của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, cơ quan chủ trì xây dựng các đề án cho nhiệm kỳ tới. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã tổ chức 3 hội nghị xin ý kiến đóng góp rộng rãi của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, cán bộ nghỉ hưu, và ý kiến đóng góp qua kênh Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội.
Ông Dương Đức Toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Lào Cai cho rằng: “Nên bổ sung thêm bài học về công tác tuyên truền vận động, trong đó phát huy vai trò của MTTQ và đoàn thể để trong giai đoạn 2020 - 2025 việc đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống sẽ hiệu quả hơn”.
Qua thực tế lấy ý kiến đóng góp có thể thấy, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) được đội ngũ trí thức, các nhà khoa học cũng như hầu hết cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân đánh giá cao. Từ chủ đề đến bố cục, nội dung đều được xây dựng công phu, đảm bảo khoa học, ngắn gọn, mang tính bao quát cao trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, Dự thảo Báo cáo Chính trị đã thể hiện được tầm nhìn chiến lược của tỉnh Lào Cai như: Định hướng phát triển trên 9 lĩnh vực, 5 nhiệm vụ đột phá, 24 chỉ tiêu cụ thể. Bên cạnh đó, nét mới của Dự thảo đó là có sự nhìn nhận, đánh giá đúng tầm quan trọng về vai trò của kinh tế tư nhân, phù hợp với xu thế phát triển.
Ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai nhận định: “Dự thảo Báo cáo Chính trị đã đánh giá cao vai trò của kinh tế tư nhân. Đó cũng là động lực cho kinh tế tư nhân phát triển. Trong thời gian tới chúng tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tỉnh Lào Cai thì kinh tế tư nhân có nhiều điều kiện hơn nữa để phát triển”.
Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, các ý kiến của đội ngũ trí thức, cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo, đảng viên, tầng lớp doanh nhân cho Dự thảo Báo cáo Chính trị đều được Tỉnh ủy tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung. Từ đó làm sâu sắc thêm, để Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI không những có tính lý luận, khoa học, tầm nhìn chiến lược mà còn có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong giai đoạn tới.
Lê Liên – Trần Tuấn
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết