Laocaitv.vn - Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Văn Bàn phấn đấu xây dựng ở mỗi xã từ 1 đến 2 sản phẩm chủ lực có thương hiệu, đạt hiệu quả kinh tế. Đây được xem là giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế của các xã trên địa bàn, giúp nâng tầm giá trị của hàng hóa nông sản tại địa phương.
Măng là một cây trồng truyền thống của xã Khánh Yên Thượng, đặc biệt là cây măng bói có mùi vị thơm ngon và được rất nhiều người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều loại măng phẩm chất kém được trà trộn với măng của Khánh Yên Thượng làm mất uy tín sản phẩm của địa phương, giảm lòng tin của người tiêu dùng. Thực hiện chương trình OCOP, huyện Văn Bàn đã chọn cây măng làm sản phẩm để xây dựng thương hiệu và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Đây là niềm vui lớn đối với người trồng măng; có ý nghĩa nâng tầm cho sản phẩm lợi thế của địa phương trên thị trường. Năm 2018, diện tích trồng măng ở Khánh Yên Thượng đạt hơn 40 ha; hiện, địa phương này đang tích cực mở rộng vùng trồng măng thêm 10 ha trong năm nay, hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn cho bà con.
Ông Hoàng An Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Thượng cho biết: “Khi đã xây dựng được nhãn hiệu OCOP cho sản phẩm thì mức thu nhập của người dân sẽ tăng lên; bà con nhân dân sẽ chú tâm vào xây dựng thương hiệu để ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó sẽ có thu nhập ổn định”.
Măng bói - sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Văn Bàn trong chương trình OCOP. (Ảnh: Thế Long)
Cũng như cây măng, cây quế từ lâu đã gắn bó mật thiết với người dân huyện Văn Bàn. Với diện tích trồng quế hơn 4.800 ha, cây trồng này đã mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao cho người dân trong huyện, khi đã giúp hàng nghìn hộ nông dân thoát được nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Đây cũng là cây trồng giúp cho nhiều xã của huyện Văn Bàn giải quyết được bài toán khó trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân. Với giá thu mua dao động từ 35.000 đồng/kg vỏ khô, 2.400 đồng/kg lá quế tươi, mỗi ha quế đã đem lại thu nhập cho người trồng khoảng 50 triệu đồng. Không chỉ người dân mà các doanh nghiệp, hợp tác xã trồng quế trên địa bàn huyện đều mong mỏi, khi triển khai chương trình OCOP, các sản phẩm từ quế sẽ được bảo hộ, cùng với đó là xây dựng các chuỗi liên kết sản phẩm đi từ người sản xuất đến nơi tiêu thụ, với sự liên kết mật thiết giữa 4 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) để nâng cao hơn nữa giá trị cây quế của địa phương.
Huyện Văn Bàn hiện có 20 sản phẩm thế mạnh, thuộc 3 nhóm: Thực phẩm, dược liệu và nhóm chế biến. Căn cứ vào thế mạnh của mỗi địa phương, huyện đã có kế hoạch cụ thể để khuyến khích người dân tích cực tham gia sản xuất và quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, để phát triển các sản phẩm OCOP, huyện Văn Bàn tập trung vào hai nhiệm vụ chính, thứ nhất là ưu tiên hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm đã có, thứ hai là nghiên cứu xây dựng các sản phẩm mới.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở huyện Văn Bàn không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp các xã trên địa bàn huyện giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Đây được coi là hướng đi đúng và trúng trong việc lan tỏa thương hiệu địa phương, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Một số sản phẩm thế mạnh của huyện Văn Bàn
- Gạo nếp Khẩu Tan Đón (xã Thẩm Dương) - Gạo nếp Nậm Xây (xã Nậm Xây) - Bánh chưng đen (thị trấn Khánh Yên) - Măng bói (Khánh Yên Thượng) - Tinh dầu sả (xã Tân An) - Hồng không hạt ngâm (xã Tân An) - Măng sặt (xã Nậm Xé, Dần Thàng, Hòa Mạc) - Tương ớt (xã Khánh Yên Thượng) - Tương ngọt (xã Dương Quỳ) - Miến đao Hòa Mạc (xã Hòa Mạc) - Khoai sọ Nậm Mả (xã Nậm Mả) - Cao gắm (xã Liêm Phú) - Thuốc tắm người Dao (xã Liêm Phú)
và một số sản phẩm mang tính đặc trưng của các địa phương trong huyện.
|
Thế Long
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết