Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất

19:23 27-10-2020 | :694

Laocaitv.vn - Trại thực nghiệm vùng thấp xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng được xây dựng theo Quyết định số 2929 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Dự án Nâng cao năng lực cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Mặc dù tới thời điểm này, trại thực nghiệm vẫn chưa hoàn thiện và chính thức đi vào hoạt động, nhưng đã tạo nên những chuyển biến đầu tiên trong việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ tại Lào Cai.

Mô hình nuôi cá thương phẩm đang được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh thực hiện tại khu trại thực nghiệm vùng thấp xã Gia Phú.

Trên diện tích mặt nước gần 3 ha, trung tâm đã tiến hành thả cá chép, cá rô phi. Cả hai loại cá này đều đạt trọng lượng như yêu cầu, sẵn sàng xuất bán. Đây là một thành công đáng ghi nhận, bởi trước đây, trung tâm đã từng tiến hành dự án nuôi cá tương tự trong dân, nhưng những quy trình chuẩn đưa ra không được các hộ dân thực hiện theo đúng yêu cầu, nên kết quả đạt được không như mong muốn. Khi tiến hành nuôi ở trại thực nghiệm, với quy trình kĩ thuật được thực hiện một cách nghiêm ngặt, từ khâu vệ sinh ao, kiểm soát nguồn nước, cho đến chọn giống, cho ăn và chăm sóc cá, nên mô hình đã nhanh chóng đạt được thành công.

"Sắp tới, chúng tôi triển khai dự án cá rô phi, có trại thực nghiệm thì kết quả sẽ cao hơn như thế này rất nhiều. Làm dự án mà không có trại thực nghiệm thì rất khó, với chức năng hiện có thì trại này là rất cần thiết. Mới bắt đầu thôi nhưng anh em đã xắn tay vào làm. Tôi tin tưởng chỉ cần sau 1 năm thì các mô hình sẽ khác, quy mô hơn rất nhiều", ông Bùi Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Lào Cai cho biết.

Ông Lê Đức Tiến, người dân ở thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng đã nhiều năm nuôi cá thương phẩm tại gia đình. Hiện tại, ông Tiến đang phụ trách trông coi và chăm sóc các ao cá tại trại thực nghiệm Gia Phú. Để hoàn thành công việc của mình, ngoài kinh nghiệm đã có, ông Tiến nhận thấy còn phải tuân thủ theo rất nhiều kĩ thuật được đặt ra, như vậy việc nuôi cá mới đạt được hiệu quả mong muốn. Sự thay đổi trong nhận thức ấy, bước đầu là tín hiệu tích cực trong việc chuyển giao khoa học kĩ thuật đến Nhân dân.

"Cá nuôi ở đây về mặt vệ sinh thì rất đảm bảo, trung tâm họ đã khử trùng ao rất kĩ và chuẩn nên không có mầm bệnh, vì thế nuôi cá ở đây hơn 1 năm mà chưa thấy cá bị bệnh bao giờ. Tôi vẫn cứ phải học hỏi về việc áp dụng khoa học kĩ thuật ở đây, sau này về còn làm ở gia đình cho tốt hơn", ông Lê Đức Tiến, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng chia sẻ.

Nhiều mô hình kinh tế tại trại thực nghiệm Gia Phú được áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất.

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ được thành lập với mục đích làm cầu nối, đẩy nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất. Nhưng trên thực tế, nhiều năm qua hoạt động của đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân trước tiên phải kể đến là trung tâm chưa được đầu tư đồng bộ, đầy đủ để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ được giao, thiếu nhà xưởng, trạm, trại thực nghiệm, thiết bị lạc hậu. Cùng với đó, nhu cầu về chuyển giao công nghệ còn ít, do người dân và doanh nghiệp chưa quan tâm việc mua công nghệ về sử dụng. Việc đầu tư xây dựng trại thực nghiệm vùng thấp tại Gia Phú sẽ giúp đơn vị tháo gỡ được một phần khó khăn này.

"Chẳng hạn như dự án chăn nuôi lợn, chúng tôi sẽ lấy lợn giống từ dự án của Bộ để nuôi, tận dụng lợn con để nuôi bán thương phẩm, nếu phù hợp với Lào Cai, chúng tôi sẽ nghiên cứu để chuyển xuống dân. Hay như dự án cá vược, ở các tỉnh khác thì thành công rồi nhưng mà đến Lào Cai thì lại là mới. Để các dự án thành công, thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ triển khai với nỗ lực cao nhất", ông Bùi Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Lào Cai nói.

Với những chuyển biến đầu tiên trong việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ tại Lào Cai do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thực hiện. Đây là tín hiệu tích cực cho vấn đề nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới nhằm phục vụ tốt hơn cho sản xuất và đời sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết