Gieo niềm tin trên vùng đất khát

19:38 13-09-2020 | :417

Laocaitv.vn - Xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương được ví như “Trường Sa cạn” bởi tình trạng thiếu nước kéo dài xảy ra vô cùng trầm trọng. Không chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày mà còn cản trở lớn cho sản xuất của bà con Nhân dân vùng cao. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp căn cơ mà địa phương này đang hướng tới để giảm thiểu những tác động của khô hạn tới sản xuất của bà con Nhân dân.

Vườn cam V2 của anh Củi đang cho những trái ngọt.

2 ha đất trồng lúa nương ở khu vực giáp biên thuộc địa phận thôn Tả Gia Khâu, nay đã được phủ xanh bởi cây cam V2, cây cam sành. Vườn cây ăn quả này được hình thành, giống như một kì tích trên vùng đất khát. Bước sang năm thứ 4, 2.200 gốc cam đã bắt đầu cho trái ngọt để bù đắp lại cho những nhọc nhằn mà anh Vừ Seo Củi, chủ nhân của vườn đã trải qua.

Cách đây 4 năm, không ít người dân trong thôn bỏ nương, bỏ ruộng, thậm chí bỏ quê để rời đi nơi khác lập nghiệp, khi việc sản xuất trồng cấy gặp quá nhiều khó khăn. Quyết tâm bám trụ với thôn, bản, sau khi trao đổi với người quen ở Hà Giang, anh Củi đã lặn lội về tận tỉnh Hòa Bình mua giống cam Cao Phong và cam sành về trồng. Tự tìm tòi, học hỏi kĩ thuật, đến nay, khi cây đã cho trái, chính anh Củi cũng không dám nghĩ mình đã thành công.

“Tôi trồng lúa nương thì không ăn hết để hàng đống ở nhà, bán thì không được tiền, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây này xem như thế nào. Tôi không nghĩ đã thành công đâu, bao giờ mà quả phải cho thu, có người đến thu mua tận nơi thì lúc ấy mới nghĩ đến. Bây giờ tôi chưa tính đến làm giàu chỉ mong đủ ăn thôi”, anh Vừ Seo Củi, thôn Tả Gia Khâu, xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương cho biết.

Cây cam được đánh giá là loại cây phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng của vùng đất Tả Gia Khâu. Từ khi bắt đầu trồng cây đến nay, gia đình anh chưa phải lo đến vấn đề thiếu nước tưới. Tuy nhiên, việc đầu tư 400 triệu để xây dựng mô hình này, trong đó, đa phần là vốn đi vay ngân hàng và bạn bè, người thân là tương đối mạo hiểm đối với anh. Lựa chọn một hướng đi mà trước nay chưa từng có ai nghĩ tới, trải qua vô vàn khó khăn và thất bại để chạm tay đến những thành công bước đầu. 

Anh Củi tâm sự, trồng cây ăn quả để khởi nghiệp nơi vùng đất khát, chẳng khác nào như đánh một “canh bạc”.

“Tôi thì nghĩ đơn giản, một là mình thua, hai là mình thắng, có lẽ cũng như cờ bạc thế thôi. Nhưng vẫn quyết tâm làm, cây cho nhiều quả thì cuộc sống của vợ chồng tôi sẽ tốt hơn”, anh Củi chia sẻ thêm.

Hình ảnh cây cam trĩu quả, vươn mình từ những triền đá cằn cỗi như minh chứng cho ước vọng của của người nông dân trong cuộc chiến chống cái đói, cái nghèo, kỳ vọng vào loại cây trồng mới này sẽ mang lại ấm no cho mảnh đất quê hương. Mô hình trồng cây ăn quả này được ví như một điểm nhấn nổi bật trong bức tranh phát triển kinh tế ở vùng cao Tả Gia Khâu. Vậy nhưng, không phải hộ gia đình nào cũng có điều kiện để đầu tư mô hình quy mô như vậy. Chính vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải được thực hiện một cách hợp lý, căn cứ vào điều kiện thực tế thì mới khả thi.

“Chúng tôi vận động bà con phải chuyển đổi, ví dụ như nếu mà khô hạn quá không cấy được thì chuyển sang trồng ngô hè thu, hay chỗ nào mà mạ già chưa cấy được thì chuyển sang trồng đậu. Cũng phải nói rõ thế để bà con yên tâm”, ông Cao Xuân Phà, Bí thư Đảng ủy xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương cho biết.

Với điều kiện tự nhiên có nhiều khó khăn như tại Tả Gia Khâu thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng như vừa đề cập ở trên là thật sự có ý nghĩa, qua đó, đã tận dụng được diện tích đất mà trước đây rất khó canh tác để đưa vào sản xuất nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ở Tả Gia Khâu hôm nay, những tín hiệu vui trong công tác giảm nghèo đã dần hiện hữu. Những bản, làng nhỏ dưới khe sâu, giữa núi đá chót vót đang khởi sắc từng ngày.

Thu Hường - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết