Hướng dẫn khôi phục lúa và rau màu sau ngập úng do mưa lũ

20:32 26-06-2018 | :2943

Laocaitv.vn - Trong những ngày qua đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng ở các địa phương trong tỉnh, nhiều diện tích lúa và rau màu bị ngập úng có khả năng bị thiệt hại. Nhằm khôi phục sản xuất, người nông dân cần lưu ý thực hiện các biện pháp kỹ thuật sau:

Đối với cây lúa: Chủ động khơi thông dòng chảy, kiểm tra các bờ kênh, mương, đảm bảo tiêu nước nhanh gọn những khu vực có nguy cơ bị ngập úng, tránh tình trạng ngập úng lâu ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng phát triển của cây lúa, thậm chí gây thối và chết lúa. Sử dụng các phương tiện cơ giới, bố trí lao động khẩn trương thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa có nguy cơ ngập úng cao với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, thu hoạch nhanh diện tích bị ngập úng, áp dụng các biện pháp hong sấy, phơi khô thóc tránh hiện tượng thóc bị nẩy mầm, hỏng mốc làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Đối với lúa Mùa mới cấy bị nước tràn qua, ngập úng nhẹ, ngay sau khi nước rút khẩn trương áp dụng các biện pháp rửa bùn trên lá, sục bùn để tạo thông thoáng cho cây lúa phát triển, chỉ áp dụng bón đạm cho cây lúa đã ra lá mới, rễ mới. Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh trên trà lúa bị lũ tràn qua, lưu ý các bệnh như Bạc lá, Đạo ôn, Sâu cắn gié cuối vụ. Chủ động nguồn giống dự phòng, khẩn trương chỉ đạo nhân dân xuống giống nhằm bổ sung diện tích mạ bị ngập úng không có khả năng phục hồi, tránh tình trạng thiếu mạ cho sản xuất.

Nhiều diện tích lúa và rau màu bị ngập úng có khả năng bị thiệt hại. (Ảnh minh họa)

Đối với rau màu: Tháo nước nhanh, kịp thời khơi thông dòng chảy để nước không ngập lâu; xới xáo phá váng, bón vôi khử trùng trên các diện tích bị nước lũ tràn qua, chăm sóc, cắt tỉa, bón phân theo nhu cầu và giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Kiểm tra phòng trừ sâu khoang, sâu xám, sâu keo và một số bệnh hại do vi khuẩn, nấm gây ra. Cần lưu ý phòng trừ nấm bệnh, vi khuẩn gây bệnh lở cổ rễ, bệnh thối nhũn.

Đối với cây trồng khác: Khẩn trương thu dọn tàn dư cây bị đổ ngã, đánh rãnh thoát nước tạo sự thông khí giúp rễ phát triển, tránh hiện tượng cây bị ngập úng gây thối rễ và hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh, vi khuẩn. Diệt chuột tại các chân ruộng cao do chuột có thể di chuyển từ các vùng trũng, ngập lụt đến.

Cao Bá Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết