Hướng thoát nghèo bền vững cho người dân Si Ma Cai

09:59 30-12-2020 | :402

Laocaitv.vn - Thời gian qua, huyện Si Ma Cai vẫn luôn xác định chăn nuôi đại gia súc là hướng đi mũi nhọn trong phát triển kinh tế, do vậy địa phương vận động, tuyên truyền hỗ trợ Nhân dân tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đặc biệt là theo tinh thần Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy thì việc chăn nuôi đại gia súc của bà con Nhân dân trên địa bàn huyện đã phát triển mạnh, hình thành vùng chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá trên địa bàn.

 Anh Giàng A Dùng chăm sóc đàn gia súc của gia đình.

Trước đây, gia đình anh Giàng A Dùng ở thôn Cốc Phà, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai thuộc diện hộ nghèo trong xã, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nương rẫy. Đất đai lại bị bạc màu, tập quán sản xuất, canh tác lạc hậu nên năng suất cây trồng thấp. Khi có chủ trương phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia đình anh Dùng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi trâu bò, ngựa vỗ béo. Từ hướng đi này đã mang về cho gia đình anh nguồn thu nhập mỗi năm đạt khoảng trên 300 triệu đồng.

Cán Cấu là một trong những xã của huyện Si Ma Cai triển khai phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, nhất là khi Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy được triển khai thì việc chăn nuôi của bà con Nhân dân đã phát triển mạnh. Đặc biệt là thời gian này, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp, người dân không đi làm thuê, làm ăn xa thì việc nuôi trâu được bà con tích cực triển khai.

Thời gian tới, Si Ma Cai tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Hiện nay, tổng đàn gia súc của huyện Si Ma Cai đã phát triển được trên 22.600 con. Nhiều hộ dân trên địa bàn đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại với số lượng lớn. Có nhiều hộ thực hiện chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng, vỗ béo. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, huyện cũng đã vận động Nhân dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi. Đến nay, huyện đã phát triển được diện tích trồng cỏ chăn nuôi lên 843 ha.

Để mô hình chăn nuôi gia súc tiếp tục được nhân rộng và phát triển bền vững, Si Ma Cai cần có thêm những cơ chế đặc thù cho các hộ chăn nuôi, nhất là trong việc tạo điều kiện thuận lợi, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc chú trọng tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về phòng tránh đói rét cho đàn gia súc, và thực hiện tốt khâu phòng chống kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc cũng cần đặc biệt quan tâm. Có như vậy, câu chuyện phát triển chăn nuôi gia súc ở huyện vùng cao Si Ma Cai, vùng đất chịu ảnh hưởng của sa mạc hóa mới thực sự bền vững và hiệu quả.

Việt Hùng – Trần Tuấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết