Khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống sâu keo

17:59 12-07-2019 | :642

Laocaitv.vn - Như tin đã đưa, từ cuối tháng 6, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xuất hiện sâu keo gây hại trên diện tích ngô và lúa 1 vụ ở vùng cao. Trước tình hình sâu bệnh gây hại đang có xu hướng lây lan mạnh, nguy cơ sẽ lan sang cả diện tích lúa, ngô vùng thấp, ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã và đang tích cực chỉ đạo các địa phương, bà con nông dân khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng trừ.

Sâu keo là đối tượng sâu bệnh ăn tạp nguy hiểm với cây trồng

Kết quả kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy: Đối tượng sâu keo (còn gọi là sâu đàn trên cây ngô và sâu cắn gié trên cây lúa) đã bùng phát mạnh, tổng diện tích bị nhiễm tới thời điểm hiện tại là khoảng 120 ha, trong đó có 74 ha ngô và trên 40 ha lúa, tại các xã Ý Tý, Ngải Thầu (huyện Bát Xát); Lùng Cải, Tả Van Chư, Lùng Phình (huyện Bắc Hà); Thanh Kim, Bản Phùng, Tả Van (huyện Sa Pa); Sán Chải, Cán Hồ, Quan Thần Sán (huyện Si Ma Cai) và Tả Phời (thành Phố Lào Cai). Mật độ sâu cục bộ 200 - 300 con/m2, đặc biệt khu vực cỏ ven rừng già tại xã Ý Tý và Ngải Thầu sâu xuất hiện mật độ cao, diện tích khoảng 60 ha và đang có xu thế di chuyển đến khu vực canh tác lúa, ngô lân cận.

Là đối tượng sâu bệnh ăn tạp nguy hiểm, sâu keo ăn cụt ngang thân cây con (đối với ngô nhỏ) hoặc ăn trụi hết lá ngô, chỉ để chừa lại gân lá (đối với ngô đã trưởng thành), ăn cụt hết toàn bộ lá lúa... ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây trồng và có thể gây mất mùa trên diện rộng, làm giảm năng suất và sản lượng lúa, ngô của các địa phương. Trước tình hình sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh, liên tục những ngày qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã tham mưu với Ủy ban nhân dân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, đề nghị các địa phương và bà con nông dân cùng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn, khẩn trương chỉ đạo bà con nông dân tiến hành các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ diện tích ngô và lúa mùa 1 vụ ở các xã vùng cao. Ông Phạm Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: "Ngay từ đầu vụ mùa chúng tôi đã có dự báo gửi cho các huyện, thành phố để các địa phương nắm bắt được khả năng của sâu hại vụ mùa có thể xảy ra ở những đối tượng nào, thời điểm nào và cách phòng trừ ra sao. Đối với đối tượng mới phát sinh như sâu keo thì chúng tôi đã tham mưu với cấp trên ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật để phòng trừ sâu keo, sâu đàn này".

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo các huyện, thành phố cần khẩn trương tiến hành rà soát toàn bộ các vùng sản xuất lúa, ngô, sắn..., đặc biệt là các khu vực giáp ranh với rừng và đồng cỏ chăn nuôi để phát hiện sớm khi sâu mới xuất hiện, tuyên truyền và chỉ đạo bà con nông dân thực hiện các biện pháp khoanh vùng, phun thuốc bảo vệ và phòng trừ sâu bệnh triệt để, không để lây lan gây hại trên diện rộng. Để phòng trừ sâu keo hiệu quả, bà con nông dân cần sử dụng một số các loại thuốc có hoạt chất như: Xi-pơ-me-thrin, An-pha Xi-pơ-met-thrin, E-ma-mec-tin ben-zô-at, ln-đô-xa-cac, Clo-ran-tra-ni-lip-rôn. Ngoài phun trên diện tích cây trồng nhiễm sâu, phải phun bao vây, đặc biệt lưu ý trên cây, cỏ và mặt đất xung quanh đồng, ruộng…, những khu vực sâu keo ẩn nấp, có cơ hội sẽ lan tràn, phá hoại diện tích lúa và ngô.

Bà con nông dân cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn để thực hiện các biện pháp phòng trừ

Cơ quan chuyên môn cũng nhận định, với đặc điểm tình hình thời tiết từ đầu năm, thì ngoài đối tượng sâu keo, từ nay đến cuối vụ, sẽ còn xuất hiện thêm nhiều loại bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại đến sản xuất nếu bà con nông dân không chủ động phát hiện sớm, tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn để thực hiện các biện pháp phòng trừ. Ông Phạm Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo: "Theo dự báo thời tiết năm nay có nhiều thay đổi nắng, mưa xen kẽ, đặc biệt cuối vụ có khả năng sẽ có bão, vì thế bệnh đạo ôn sẽ phát triển mạnh, đặc biệt bệnh đạo ôn trên cổ bông, bà con cần chú ý khi cây lúa trỗ bông. Một đối tượng nữa cũng cần phải lưu ý đó là sâu cuốn lá lúa, đây là đối tượng dự báo năm nay sẽ gây hại trên diện rộng với mật độ cao trên lúa 1 vụ vùng thấp vào khoảng trung tuần tháng 8. Hiện tại chúng tôi đã phát hiện ra 1 đối tượng và đang lấy mẫu để gửi về Hà Nội phân tích giám định, khi có kết quả chúng tôi sẽ có phương án xử lý".

Cơ quan chuyên môn cũng đề nghị các địa phương vùng thấp chỉ đạo bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ làm đất và gieo cấy lúa, phấn đấu đến 20/7 toàn tỉnh sẽ kết thúc khung thời vụ sản xuất theo đúng nông lịch. Để phòng trừ sâu bệnh phát sinh gây hại đối với cây lúa mùa ở vùng thấp, bà con cần tiến hành các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ mạ mùa và lúa mới cấy, cụ thể đối với mạ: Chăm sóc giữ ẩm tốt cho mạ sinh trưởng khỏe mạnh, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện, phòng trừ sớm các đối tượng sâu bệnh hại trước khi nhổ cấy 3 - 5 ngày bằng các loại thuốc. Đối với sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy sử dụng Fi-ni-cô 800WG, Vi-ta-kô 40WG, Fê-gent 800WG; đối với bệnh đạo ôn: Fi-li-a 525SE, Fu-ji-oăn 40EC, Fu-a-my 40EC…; đối với lúa: Chủ động áp dụng biện pháp canh tác cải tiến SRI, cấy mạ non 2,5 - 3 lá, cấy thưa, cấy vuông mắt sàng, điều tiết nước khô ướt xen kẽ, đồng thời bón thúc sớm ngay sau khi lúa bén rễ hồi xanh, sau cấy 5 - 7 ngày, giúp cây đẻ nhánh khỏe, đẻ nhánh tập trung./.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết