Laocaitv.vn - Mô hình nuôi dê theo hướng hàng hóa của gia đình ông Dì A Chính, dân tộc Tày ở thôn Mường Bo 1, xã Mường Bo, thị xã Sa Pa đang được địa phương khuyến khích nhằm khai thác hiệu quả địa hình núi đá ở địa phương.
Laocaitv.vn - Mô hình nuôi dê theo hướng hàng hóa của gia đình ông Dì A Chính, dân tộc Tày ở thôn Mường Bo 1, xã Mường Bo, thị xã Sa Pa đang được địa phương khuyến khích nhằm khai thác hiệu quả địa hình núi đá ở địa phương.
Tận dụng khu đất rừng, núi đá của gia đình rộng trên 2 ha, từ năm 2020 ông Dì A Chính bắt đầu nuôi 15 đôi dê. Đến nay gia đình ông thường xuyên duy trì từ 100 - 110 con. Để nuôi dê, ông Chính đầu tư làm chuồng trại cẩn thận, hằng ngày dê được lùa lên khu vực nhiều núi đá, cỏ cây tươi tốt để chăn thả.
Nuôi dê trên vùng núi đá đang mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông Dì A Chính.
Đến nay, gia đình ông Chính đã trở thành địa chỉ cung cấp dê thịt chất lượng cho khu vực thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng. Bình quân mỗi con dê xuất bán có trọng lượng từ 30 - 45 kg, với giá bán khoảng 120.000 đồng/kg; 2 năm nay, riêng tiền bán dê ông Chính thu được khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Với hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình nuôi dê của gia đình ông Dì A Chính đang được xã Mường Bo tuyên truyền cho cộng đồng các dân tộc trong xã học tập và làm theo.
Ông Phan Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Bo, thị xã Sa Pa cho biết: "Xã đã tuyên truyền vận động bà con Nhân dân tự tái đàn, nghiên cứu con giống phù hợp với địa phương. Hiện nay, đàn dê phát triển rất tốt, bà con Nhân dân rất phấn khởi, tự vươn lên phát triển kinh tế từ mô hình nuôi dê, qua đó giúp xóa đói giảm nghèo".
Chọn nuôi dê theo hướng hàng hóa đã giúp gia đình ông Dì A Chính có cuộc sống tốt hơn. Kết quả này cho thấy việc lựa chọn vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và sức lao động của gia đình là rất quan trọng.
Phạm Quỳnh - Hoàng Luyến
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết