Những "nông dân số" ở vùng cao Lào Cai

15:13 22-08-2022 | :617

Laocaitv.vn - Gần 3 năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Tuy nhiên, cũng đã có những cơ hội mới được mở ra cho người nông dân, nhất là nông dân vùng cao, giúp họ năng động hơn, chủ động hơn trong sản xuất. Từng bước tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, bà con vùng cao Lào Cai đang dần trở thành những “nông dân số”. 

Chị Hoa livestream giới thiệu cho khách hàng xem vườn quýt của gia đình.

Phải gần 2 tháng nữa, quýt chính vụ Mường Khương mới vào mùa, nhưng ngay thời điểm này, chị Vàng Thị Hoa, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương đã rất chăm chỉ cập nhật vườn quả của gia đình mình lên các trang mạng xã hội. Đây cũng là cách giúp cho gia đình chị tiêu thụ quả quýt một cách thuận lợi trong hai năm qua, kể cả thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng nhất. Chị Hoa chia sẻ: "Khi quýt bắt đầu ra hoa là tôi đã làm các video giời thiệu cho mọi người cùng biết cách chăm sóc cây như thế nào cho đến lúc quả được thu hái như thế nào sẽ hiệu quả hơn".

Hình ảnh những phụ nữ người Mông, người Pa Dí... của Mường Khương livestream bán hàng đã trở nên quen thuộc. Và không thể phủ nhận, cách làm này đã mang lại hiệu quả rất tốt. Bà con đã mạnh dạn với tư duy sản xuất, kinh doanh hiện đại, tương tác với khách hàng ở mọi nơi, đáp ứng đòi hỏi của khách hàng để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Chị Ma Thị Chú, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương cho biết: "Khi tôi livestream như này, người ta xem người ta thấy hay thì người ta cứ chia sẻ hết cho người này người kia, chia sẻ vào các hội nhóm chẳng hạn ý thì độ che phủ thị trường rất là lớn và nhanh, rất nhiều người biết đến".

Thử nghiệm thiết bị bay để phun thuốc cho cây chè.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ nông sản ở vùng cao Lào Cai, không chỉ dừng lại ở bán hàng qua mạng. Bà con đã dần tiếp cận với những khái niệm như mã QR, sàn giao dịch điện tử, nhật ký nông vụ, hay những phần mềm để điều khiển máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Anh Trần Mạnh Thắng, xã Bản Sen, huyện Mường Khương cho biết: "Chúng tôi đang thử nghiệm dùng thiết bị bay để phun thuốc cho chè. Chúng tôi cũng đang yêu cầu đơn vị cung ứng sẽ làm một cái phần mềm để quản lý về các loại thuốc, về kì hạn phun để áp dụng vào thực tế".

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mường Khương cho biết: "Phải nói rằng hiệu quả rất tốt, người này biết rồi thì chia sẻ, lan tỏa đến người khác. Về phía huyện, chúng tôi sẽ tham mưu để xây dựng các trang nông sản Mường Khương giới thiệu quảng bá nông sản, mở các lớp tập huấn để người dân biết cách ứng dụng 4.0 vào thực tế sản xuất".

Nông sản dán mã QR truy xuất nguồn gốc; cây trồng tưới nước tự động hay được cấp mã số vùng trồng… Đây là những kết quả ban đầu trong chuyển đổi số ở  Mường Khương nói riêng và Lào Cai nói chung. Và những “nông dân số” vùng cao năng động, tự tin, sẵn sàng đối mặt với thử thách để chạm tới thành công chuyển đổi số,

 Thu Hường – Tuấn Nam - Tráng Chủ


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết