Thiết bị nghe - nhìn thay đổi tư duy sản xuất cho đồng bào vùng cao

22:32 29-10-2023 | :270

Laocaitv.vn - Ở những khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, hiện ngày càng có nhiều người dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để có được sự chuyển biến tích cực này, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp thì việc được nghe đài, xem truyền hình và các loại hình báo chí, truyền thông khác đã góp phần rất quan trọng vào thay đổi tư duy sản xuất của bà con.

Gia đình chị Lò Mùi Khé ở thôn biên giới Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát đang phát triển hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa và gà đen thả đồi, mang lại nguồn thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Từ cách xây dựng chuồng trại, ứng dụng kỹ thuật vào chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi, đến việc xuất bán sản phẩm… đều được chị Khé tìm tòi, học hỏi qua loa đài, tivi và mạng xã hội. 

Chị Lò Mùi Khé cho biết: "Qua nghe thường xuyên các chương trình của tỉnh và của địa phương, tôi cũng học hỏi được kinh nghiệm chăn nuôi. Bán ra thị trường tôi thấy được giá, nếu nuôi được nhiều sẽ có thu nhập cao".

Nhờ học hỏi qua loa đài, mạng xã hội, chị Lò Mùi Khé đã biết ứng dụng kỹ thuật vào chăn nuôi.

Còn tại thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, hiệu quả của hệ thống truyền thanh, cùng với tivi, mạng xã hội cũng đang góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của đồng bào Bố Y trong việc tìm hiểu, học hỏi, áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quýt.

Chị La Thị Sủi, ở thôn Lao Chải cho biết: "Thời điểm này quýt bắt đầu vào vụ, ngoài việc tỉa mang đi bán, gia đình tôi tích cực chuẩn bị trang phục dân tộc, dụng cụ… để đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm hái quýt ngay tại vườn".

Bà Bùi Thị Huấn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Khương cho biết thêm: "Thông qua các hệ thống nghe - nhìn, người dân tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình hay ở các địa phương khác để vận dụng tại Mường Khương".

Chị La Thị Sủi sử dụng mạng xã hội để bán hàng online.

Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, hiện 100% xã, phường, thị trấn đều có trạm truyền thanh, 99% số thôn, tổ dân phố được phủ sóng thông tin di động; gần 94% hộ gia đình có điện thoại thông minh và xem được tivi. Các phương tiện thông tin đại chúng không chỉ đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đến người dân một cách chính xác, kịp thời, hiệu quả, mà còn là kênh thông tin hữu ích để phổ biến khoa học kỹ thuật mới, nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả.

Bà Trần Xuân Huệ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai cho biết: "Trong thời đại công nghệ số, các phương tiện thông tin hiện đại là kênh thông tin tuyên truyền hữu hiệu đến với người dân. Đồng hành rất hiệu quả với các cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

Công nghệ số ngày càng phát triển, các thiết bị như loa truyền thanh, tivi, điện thoại thông minh, mạng xã hội… đang góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào vùng cao trong phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao thu nhập, làm thay đổi chất lượng cuộc sống.

Thào Sếnh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết