Khát vọng giữ "hồn thổ cẩm" Sa Pa

09:38 14-01-2020 | :3443

Laocaitv.vn - Tại Sa Pa có một gian hàng bán thổ cẩm nhỏ. Ở đó, có một người từ nhiều năm qua đã đam mê sưu tầm trang phục của các dân tộc, đặc biệt là thổ cẩm nhằm thỏa khát khao bảo tồn và giới thiệu “hồn thổ cẩm” với bạn bè quốc tế. Người phụ nữ đó cũng nhiều năm miệt mài trên hành trình không mệt mỏi, đồng hành với công tác thiện nguyện, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tương thân tương ái, hướng tới cộng đồng, góp phần chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Đó là bà La Thị Lương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thổ cẩm Lương Thủy, thị xã Sa Pa.

Bà La Thị Lương giới tiệu với phóng viên về các mặt hàng thổ cẩm của Câu lạc bộ thổ cẩm Lương Thủy.

Suốt gần 20 năm qua, phạm vi hoạt động của Câu lạc bộ thổ cẩm Lương Thủy liên tục được mở rộng với hơn 200 phụ nữ tại Sa Pa, Bắc Hà, Văn Bàn đang nhận thêu, cung cấp sản phẩm thổ cẩm cho Câu lạc bộ, chưa kể còn khoảng 300 người là cộng tác viên nhận thu gom sản phẩm thổ cẩm tại nhiều tỉnh Tây Bắc. Mỗi một người dân có thêm việc làm, thêm thu nhập lại là một niềm vui của người phụ nữ giàu lòng nhân ái La Thị Lương.

Bà Lương chia sẻ: "Câu lạc bộ sẽ gom tất cả hàng thổ cẩm do người dân làm ra và cố gắng bán được thật nhiều sản phẩm, giúp đỡ được nhiều phụ nữ và trẻ em khó khăn để họ không phải đi ăn xin ở ngoài đường".

Gian hàng thổ cẩm được duy trì hoạt động, không chỉ vì mục đích giúp đỡ mọi hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn có công ăn việc làm, mà nó còn là đam mê của bà La Thị Lương với các giá trị văn hóa bản địa. Bà đã miệt mài sưu tầm những trang phục truyền thống của các dân tộc như trang phục của người Lô Lô xanh (Hà Giang), trang phục của người Mông đen, người Dao đỏ, Dao tiền… Qua đó giới thiệu đến bạn bè du khách gần xa về nét văn hóa của các dân tộc.

Chị Hoàng Thị Mơ, nhân viên Cửa hàng thổ cẩm Lương Thủy cho biết: "Ngoài công việc bán hàng, tôi cũng giới thiệu những văn hóa truyền thống của bà con dân tộc nơi đây như trang phục truyền thống của người Mông, người Dao tới không chỉ du khách trong nước mà cả khách nước ngoài, để họ thấy được những nét đẹp trong văn hóa đồng bào dân tộc vùng cao".

Mong muốn của bà chủ CLB thổ cẩm Lương Thủy là bảo tồn và giới thiệu “hồn thổ cẩm” với bạn bè quốc tế.

Xuất phát ban đầu là mưu sinh, là kiếm sống bằng nghề buôn bán, nhưng rồi tình yêu với thổ cẩm, khát vọng giữ "hồn thổ cẩm" quê nhà đã được bà La Thị Lương nuôi dưỡng cho tới tận ngày hôm nay. Vừa lan tỏa tình yêu ấy tới tất cả mọi người, bà Lương cũng mong muốn công việc của mình sẽ góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người còn khó khăn trong xã hội, thông qua những công việc, sinh kế, thông qua những giá trị vật chất tinh thần được sẻ chia trong cuộc sống hàng ngày.

 Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết