Điệu Kháo ngày xuân

07:33 30-01-2020 | :311

Laocaitv.vn - Khi những cánh đào khoe sắc hồng rực rỡ cũng là lúc người Thu Lao ở vùng cao huyện Si Ma Cai nô nức, rộn ràng đón tết. Cuộc sống người Thu Lao nay đã có nhiều đổi thay. Họ gắn bó, đoàn kết với đồng bào người Kinh, người Mông ở địa phương xây dựng đời sống văn hóa, cùng nhau đón một năm mới ấm cúng, tươi vui. Và nơi những bản làng bình yên trù phú ấy, có những con người nặng lòng với hồn dân tộc, miệt mài truyền thụ những âm điệu độc đáo cho thế hệ trẻ, với mong muốn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình được lưu giữ và trao truyền.

Ông Phìn là người góp công gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của người Thu Lao.

Hầu như dịp Tết nào, ông Vàng Sín Phìn, thôn Đội 2, xã Nàn Sán cũng hát điệu Kháo này. Bài hát ca ngợi quê hương, ca ngợi bản làng, thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc của người Thu Lao khi mùa xuân đến. Ông Phìn tự nhận mình không phải là người hát hay, nhưng ông yêu lắm những giai điệu dân ca của đồng bào mình từ bao đời để lại. Hát khúc Kháo ngày xuân, đàn một điệu đàn mừng năm mới, người nghệ nhân này đang góp phần nhỏ bé công sức của mình để gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của người Thu Lao được cha ông để lại. 

Kháo là làn điệu dân ca truyền thống của người Thu Lao, xưa kia được hát trong dịp hội hè, lễ tết và dần dần còn được ngâm nga trong cả cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Người ta hát khi có khách đến làng, hát đối đáp giao duyên, hát mừng đám cưới, hát để làm quen... Điệu Kháo không thể thiếu được những dụng cụ hòa âm là các loại đàn 4 dây, 3 dây, 1 dây hay cây tiêu, cây sáo. Nghệ nhân Vàng Sín Phìn là một trong số ít những người tại Si Ma Cai am hiểu sâu sắc về các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống này. Ông vẫn lặn lội đi mỗi phiên chợ, để tự tay tìm được chiếc đàn hay nhất, tốt nhất, âm thanh trong trẻo nhất, để tạo nên một bản hòa ca dung dị của người Thu Lao giữa bản làng mùa xuân. Ông Phìn chia sẻ: "Cái âm nhạc của Thu Lao rất đặc biệt. Bố mình đã nói dân tộc mình phải có cái đàn này thì mới thành dân tộc, thế nên mình phải cố gắng giữ lại, cái nào hỏng mình cũng vẫn giữ. Những người làm được cái đàn này thì đã chết cả rồi, sau này mình sẽ phải học để mình tự làm cho bằng được".

Ông Phìn dạy đàn, dạy hát cho các con, các cháu trong thôn.

Ở Nàn Sán bây giờ, không còn nhiều người Thu Lao biết đàn, biết hát, vậy nhưng, những người yêu thích với âm nhạc truyền thống lại không ngừng tăng lên. Những ngày đầu năm, gian nhà nhỏ của ông Vàng Sín Phìn lại đông vui hơn, rộn ràng hơn. Những thanh niên, những em học sinh nhân ngày nghỉ tết đến để được nghe ông Phìn dạy đàn, dạy hát và người nghệ nhân tâm huyết ấy lại “dốc” vốn liếng bao năm của mình, truyền cho thế hệ trẻ tình yêu với khúc hát, điệu đàn dân tộc, để mạch chảy văn hóa của người Thu Lao vẫn mãi được giữ gìn.

Những điệu nhạc, khúc hát là món ăn tinh thần không thể thiếu trong dịp Tết đến, xuân về. Mảnh đất Tây Bắc với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi độ xuân về lại vang lên bản hòa âm của các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo. Tại vùng cao Si Ma Cai, xuân này, tiếng đàn, điệu Kháo sẽ vang lên trong những lễ hội mùa xuân, sẽ nuôi dưỡng từ những ngọn lửa nhiệt huyết mang khát vọng tiếp nối, gìn giữ và trao truyền những nét đẹp văn hóa của dân tộc từ bao đời nay./.

 Thu Hường – Thành Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết