Bước chuyển của xã nghèo Trì Quang

10:06 18-09-2019 | :352

Laocaitv.vn - Là địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện Bảo Thắng, xã Trì Quang có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 4.000 ha, thì có tới trên 3.000 ha là đất lâm nghiệp. Nhiều năm trở lại đây, Trì Quang đã lấy kinh tế lâm nghiệp làm thế mạnh chuyển dịch sản xuất, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, diện tích rừng kinh tế, rừng trồng mới của địa phương mỗi năm một tăng cao, đem lại nguồn thu cho nhiều hộ dân.

Mặc dù chính sách hỗ trợ trồng rừng không còn nhưng phong trào trồng rừng ở Trì Quang vẫn phát triển mạnh. (Ảnh:Minh Họa)

Những năm gần đây, việc tiêu thụ các loại gỗ rừng dễ dàng và thuận lợi hơn bao giờ hết, giá cả các mặt hàng lâm sản lại tăng cao, thế nên người dân Trì Quang rất chủ động trong việc mở rộng diện tích rừng sản xuất, lấy rừng là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Trì Quang chia sẻ: "Trước đây phong trào trồng rừng chưa phát triển đâu, từ năm 2014 – 2015 tỉnh Lào Cai có chính sách hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư, người dân rất quan tâm đến chính sách này và đã tập trung đẩy mạnh trồng rừng, trồng nhiều nhất là cây quế cho giá trị kinh tế cao, thu được cả lá, cả vỏ, cả gỗ. Đến nay xã Trì Quang đã mạnh về phát triển kinh tế rừng, nhiều hộ thu nhập từ rừng rất cao".

Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bảo Thắng, Trì Quang gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, bởi hầu hết diện tích tự nhiên là đất đồi dốc, ít đất canh tác nông nghiệp. Do vậy, cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn xác định, kinh tế rừng là mũi nhọn. Với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, đất nương đồi ban đầu trồng ngô, trồng sắn để có nguồn thu trước mắt, sau đó chuyển dần sang trồng rừng để có thu nhập lâu dài. Anh Đặng Văn Liệu, ở thôn Làng Ẻn cho biết: "Trước đây, như nhiều hộ dân khác trong thôn, nhà tôi trồng rất nhiều sắn, nhưng thu nhập kém lắm. Dần dần, gia đình tôi chuyển các đồi sắn sang trồng rừng phát triển kinh tế. Năm 2017, tôi đã xây được ngôi nhà trị giá hơn 400 triệu đồng, trong đó, một nửa là tiền bán vườn quế 15 năm tuổi. Hiện tại tôi có tổng cộng 04 ha rừng mỡ đã đến tuổi khai thác. Tôi đang trồng dặm lại, cây cũng lên cao khoảng 2 – 3 m rồi".

Tại thôn Trì Thượng, nếu như những năm trước đây, bà con trồng cây mỡ, keo là chính, sau thấy quế và bồ đề cho thu nhập cao hơn, nên đã chuyển dần sang 02 loại cây này. Với cây quế, ngoài cho thu vỏ và bán thân cây làm gỗ, còn tận dụng bán được cành, lá, nên là loại cây đạt giá trị thu nhập cao nhất, bà con đang ưu tiên trồng nhiều. Với cách làm này, tất cả các thôn, bản trong xã đều có nguồn thu nhập tốt từ đất rừng. Bà Phạm Thị Sợi, Trưởng thôn Tân Thượng, địa bàn vùng sâu nhất của xã Trì Quang cho biết: "Trước kia trồng cây gỗ thì cũng rất khó bán, vì phong trào trồng rừng ở đây chưa phát triển, lại là thôn xa nhất của xã, nên thương lái không thấy đến mua, nhưng từ mấy năm nay kinh tế rừng phát triển, việc giao thương cũng thuận lợi hơn. Bà con trong thôn đều rất tích cực tham gia phong trào trồng rừng. Nói về trồng rừng thì Tân Thượng chúng tôi là nhiều nhất xã".

Hiện nay, xã Trì Quang có hơn 1.000 hộ dân thì có đến 80% số hộ tham gia trồng rừng. Diện tích rừng của toàn xã tăng mạnh, đến thời điểm này đã đạt trên 1.800 ha, trong đó, có trên 70% là rừng sản xuất, bình quân mỗi ha rừng trồng cho giá trị kinh tế khoảng 50 triệu đồng/năm, khoảng trên 30% số hộ có nguồn thu từ 60 - 100 triệu đồng/năm từ việc khai thác rừng sản xuất. Vào vụ khai thác gỗ, trung bình mỗi lao động thời vụ ở Trì Quang có thể thu nhập từ 150.000 – 200.000 đồng/ngày. Thị trường tiêu thụ lâm sản của Trì Quang cũng khá lạc quan, hiện toàn xã có 06 cơ sở chế biến gỗ ván bóc và đồ thủ công, ngoài tiêu thụ tại chỗ thì người dân bán ra thị trường nhiều nơi nhờ giao thông thuận lợi. Liên tiếp trong 02 năm 2017, 2018, giá trị kinh tế lâm nghiệp mà người dân Trì Quang thu được đạt khoảng 6 - 7 tỷ đồng, chiếm phần lớn tổng thu nhập của toàn xã.

Năm 2019 này, tỉnh Lào Cai có chủ trương dừng mọi chính sách hỗ trợ trồng rừng, nhưng phong trào trồng rừng ở Trì Quang vẫn phát triển mạnh. Bà con tự bỏ vốn đầu tư, mua giống cây lâm nghiệp các loại để trồng thêm diện tích rừng mới và trồng dặm những diện tích rừng vừa khai thác. Thế nên về cơ bản, ở Trì Quang những diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho dân không còn chỗ nào bỏ trống. Suốt dọc hàng chục cây số đường nối các thôn trong xã, đâu đâu cũng bắt gặp màu xanh ngút ngát của các cánh rừng phủ kín những sườn đồi. Kinh tế rừng, đã và đang tiếp tục là nguồn thu ổn định, bền vững cho hàng nghìn hộ dân nơi đây./. 

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết