Chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa: Câu chuyện từ sản xuất cây gừng ở Cán Cấu

10:05 01-08-2022 | :342

Laocaitv.vn - Từ năm 2020, một số hộ dân ở xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai bắt đầu trồng gừng trên đất ruộng. Ngay vụ đầu tiên, người nông dân đã thu được thành quả, cây gừng phát triển tốt, đều củ, đặc biệt là giá lại rất cao. Trên đà thuận lợi, bà con đã không ngừng mở rộng diện tích trồng gừng, hướng tới sản xuất theo quy mô hàng hóa. Tuy nhiên, sản xuất hàng hóa không đơn thuần chỉ là mở rộng diện tích canh tác, mà còn nhiều vấn đề khác cần phải quan tâm.

Năm 2022, gia đình anh Hầu A Chùa ở thôn Cán Chư Sử, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai trồng tới 1 tấn gừng giống, tương đương với khoảng 1 ha trên diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả. Anh Chùa quyết tâm như vậy là do nhận thấy năm vừa rồi, bà con trong xã đã có một vụ gừng tương đối thành công. Chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang trồng hàng hóa, phương thức canh tác của gia đình cũng phải thay đổi. "Cây gừng cũng dễ trồng, nhưng phải chịu khó làm cỏ, tôi phải tự tay làm cỏ 3, 4 lần. Phun thuốc cỏ thì nhanh hơn nhưng khi đi bán ở công ty họ không mua", anh Chùa cho biết thêm.

Anh Hầu A Chùa (trái) mạnh dạn đầu tư trồng 1 tấn gừng giống trên diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả.

Gừng là loại cây gia vị, cây dược liệu phổ biến, quen thuộc với nhiều gia đình. Tuy nhiên, thay cho trồng nhỏ lẻ để sử dụng hằng ngày, nhiều hộ dân ở Cán Cấu đã sản xuất gừng trên diện tích cả nghìn mét vuông. Cá biệt có hộ gia đình mạnh dạn thuê tới 5 ha đất trong xã để trồng loại cây mới này.

Ông Giàng A Trá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai cho biết: "Năm nay, Nhân dân rất hào hứng với mô hình trồng gừng. Hội Nông dân cũng đã triển khai trồng 30 ha. Hội sẵn sàng hỗ trợ Nhân dân về nguồn vốn vay ưu đãi".

Gần 6 tỷ đồng là tổng số tiền mà bà con nông dân Cán Cấu thu được từ cây gừng trong năm 2021. Với một cây trồng mới, đây được đánh giá là thành công bước đầu. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng gừng cũng đánh dấu chuyển biến từ sản xuất tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo định hướng của huyện, của tỉnh. Để thành công, người nông dân không thể làm một mình, mà cần có sự đồng hành của các ban ngành, chính quyền địa phương, từ hỗ trợ vốn, kĩ thuật đến thị trường tiêu thụ.

Diện tích trồng gừng ở xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai tăng mạnh, hướng tới sản xuất theo quy mô hàng hóa.

Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai cho biết thêm: "Khi quy mô mở rộng, diện tích và sản lượng lớn thì cần tìm đầu ra. Đầu ra của cây gừng cũng rất khó khăn bởi vì hiện mới tiêu thụ trong nước, còn xuất khẩu thì liên quan đến chất lượng. Chúng tôi đang tuyên truyền vận động bà con Nhân dân thay đổi tập quán canh tác, hướng tới sản xuất hữu cơ để cây gừng có thể xuất khẩu được".

Ngoài cây gừng, nông dân Cán Cấu đã chuyển dần từ trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng đương quy, cây ăn quả…; phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cũng cần những bước đi thận trọng để hướng tới phát triển bền vững, tránh tự phát, dẫn đến tình trạng thất thu do nông sản được mùa, mất giá.

 Thu Hường - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết