Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

14:53 15-10-2019 | :1055

Laocaitv.vn - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mới được thực hiện trong vài năm gần đây đã mang lại hiệu quả rõ nét. Huyện Văn Bàn, địa phương hiện có tỷ lệ tán che phủ rừng lớn nhất tỉnh Lào Cai, khi có nguồn dịch vụ này đã giúp các chủ rừng là các hộ gia đình có điều kiện chăm sóc rừng tốt hơn.

 Huyện Văn Bàn có tỷ lệ tán che phủ rừng lớn nhất tỉnh Lào Cai.

Bắt đầu từ năm 2012, anh Phùng Tòn Nhỉn ở thôn Ta Náng, xã Nậm Xé đã có thêm nguồn thu mới, hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế của gia đình, đó là nguồn từ dịch vụ môi trường rừng. Trước đây, mỗi năm những thành viên tổ nhận khoán bảo vệ rừng cho khu bảo tồn như anh được hỗ trợ khoảng 15 triệu đồng, nhưng khi có thêm nguồn dịch vụ môi trường rừng, số tiền nhận được hàng năm đã tăng gần gấp 3 lần. Được hưởng nguồn dịch vụ môi trường rừng, giúp gia đình thêm yên tâm, gắn bó với công việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Anh Phùng Tòn Nhỉn, thành viên Tổ bảo vệ rừng xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn chia sẻ: "Mùa cao điểm chúng tôi phải thay phiên nhau đi trực chốt đấy, mỗi lần đi từ 04 đến 05 ngày. Anh em trong tổ bảo vệ lúc nào cũng cầm điện thoại bên người, mở 24/24 giờ, lúc nào gọi là mọi người đi luôn".

Với phương châm “Khai thác đến đâu, trồng mới đến đó” kết hợp với khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng, đến nay khai thác gỗ rừng trồng của huyện đã thay thế cơ bản việc khai thác rừng tự nhiên, giúp cho tỷ lệ che phủ rừng ngày càng tăng, từ 50% vào năm 2010 lên gần 64% như hiện nay. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, việc khai thác các lâm sản trong tự nhiên đã giảm theo từng năm, góp phần tích cực vào việc bảo tồn đa dạng sinh học trong các khu rừng tự nhiên của Văn Bàn. Huyện đã khuyến khích trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ, đến nay, đã có 03 tổ chức doanh nghiệp và 28 hộ gia đình kinh doanh chế biến lâm sản. Từ năm 2017 trở về trước, nguồn dịch vụ môi trường rừng mà Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn được nhận chỉ vài trăm triệu đồng mỗi năm, nhưng từ năm 2018 đến nay, số tiền dịch vụ môi trường rừng mà đơn vị này nhận được đã tăng lên đến hơn 1 tỷ 600 trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Duy Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn cho biết: "Những khu vực mà công ty nghiên cứu thấy mức độ tàn che quá lớn, ảnh hưởng đến cây bản địa phát triển thì sẽ được phát dọn khu vực đó để trồng cây. Mục tiêu của công ty là giữ rừng, tạo cho cây lấy gỗ phát triển, diện tích làm giàu rừng từ 40 đến 60 ha, còn lại là công ty sẽ trồng bổ sung".

 Huyện Văn Bàn khuyến khích trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường được thực hiện tại huyện Văn Bàn từ năm 2012 đến nay, đã tạo được nguồn lực ổn định để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và phòng cháy, chữa cháy rừng. Thông qua việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho thấy, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương được nâng lên rõ rệt, người dân tích cực bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn thu nhập của mỗi gia đình./.

 Ngọc Hà – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết