Nông dân Trì Quang sáng tạo trong phát triển kinh tế

15:04 29-07-2020 | :645

Laocaitv.vn - Cùng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, thời gian qua, người dân xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng luôn năng động, sáng tạo trong việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, thực hiện tốt các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Để cá sinh trưởng và phát triển tốt, gia đình anh Suất đã đầu tư hệ thống sục khí đáy.

Trung bình mỗi năm gia đình anh Lương Văn Suất, thôn Trì Thượng, xã Trì Quang xuất bán ra thị trường khoảng 10 tấn cá chép thương phẩm và có thu nhập khoảng 150 triệu đồng từ ao nuôi cá của gia đình. Để có được thành công đó, cùng với việc mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng cây lúa kém hiệu quả sang đào ao thả cá và quan tâm học hỏi kỹ thuật nuôi cá chép công nghiệp thì anh Suất còn là hộ đầu tiên và duy nhất trên địa bàn huyện Bảo Thắng đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống sục khí đáy. So với việc tạo không khí bề mặt thì sục khí đáy ao nuôi có nhiều ưu điểm và mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều. Anh Suất chia sẻ kinh nghiệm: “Gia đình tôi trước kia làm ruộng lúa, hiệu quả không cao. Tôi tự học hỏi thực hiện mô hình nuôi cá chép công nghiệp. Qua tìm hiểu tôi thấy nuôi cá chép công nghiệp thường hay bị thiếu ô xy nên gia đình đã đầu tư thực hiện hệ thống sục khí đáy tạo ra lượng khí ô xy lớn, nước mát hơn, cá sinh trưởng và phát triển tốt hơn, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn”.

Mô hình nuôi ngựa lai của gia đình anh Nguyễn Văn Tuân, thôn Trì Thượng cũng là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của xã Trì Quang. Với quy mô nuôi trên 20 con ngựa lai, trung bình mỗi năm, anh Tuân thu về trên 1 tỷ đồng. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên và theo thời vụ cho nhiều lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng. Anh Tuân chia sẻ: “Chăn nuôi ngựa lai có lợi thế hơn chăn nuôi các con vật khác, hầu như không có dịch bệnh. Hiện nay, mô hình này chưa có ai nuôi. Tôi nuôi ai có nhu cầu thì tôi bán. Để nâng cao hiệu quả kinh tế thì hiện nay gia đình tôi xây dựng lò mổ, thịt bán ra thị trường để tăng hiệu quả kinh tế”.

Mô hình nuôi ngựa lai của gia đình anh Tuân.

Hiện, ở Trì Quang có hàng trăm mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cho thu nhập từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm. Qua đó, góp phần nâng thu nhập bình quân của người dân địa phương lên trên 33 triệu đồng/người/năm, tăng 26 triệu 420 nghìn đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương còn 9,27%, giảm 27,78% so với năm 2011. Từ đó, xã Trì Quang tiếp tục có những giải  pháp cụ thể và thiết thực hơn nhằm khai thác ngày càng hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng cho biết: “Phát huy lợi thế của địa phương, chúng tôi xác định cần phải tập trung đẩy mạnh trồng rừng, chăn nuôi thủy sản và đại gia súc. Xây dựng các mô hình trọng tâm ở các thôn để nhân rộng cho bà con học tập và làm theo”.

Với sự cần cù, chịu khó và tinh thần năng động sáng tạo của người dân cộng với những giải pháp cụ thể thiết thực của cấp ủy, chính quyền địa phương để phát triển kinh tế một cách bền vững. Hy vọng xã vùng 3 Trì Quang sẽ ngày càng đi lên, tạo nguồn thu và thúc đẩy kinh tế địa phương tiếp tục phát triển, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí của xã nông thôn mới.

Mai Huệ - Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết